Thứ Tư, 27/11/2024 05:33:47 GMT+7
Lượt xem: 2715

Tin đăng lúc 27-03-2020

Ngành Dệt may Việt Nam có thể thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì đại dịch

Ngành dệt may ước tính thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5.
Ngành Dệt may Việt Nam có thể thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì đại dịch
Ngành dệt may ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Mặc dù là mặt hàng đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu và đóng góp lớn cho xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm qua, nhưng dệt may lại là ngành chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Sự bùng phát của dịch bệnh này đã khiến toàn ngành lao đao, thiếu hụt nguyên liệu, khó xuất khẩu, doanh thu sụt giảm.

 

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong 2 tháng đầu năm 2020, lần đầu tiên trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giảm 3%, chỉ đạt 5,3 tỷ USD. Trong khi đó, những năm trước, kim ngạch xuất khẩu tại cùng thời điểm của ngành đều tăng khoảng 10%.

 

Những thống kê mới nhất của Vinatex cho thấy, từ giữa tháng 3, liên tiếp có nhiều đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu việc làm trong tháng 4 - 5. Đáng nói, những thương hiệu càng lớn thì tỷ lệ cắt giảm hàng càng nhiều và chưa có tín hiệu nào về thời gian phục hồi.


Dự báo, lượng hàng tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng trưởng chậm. Trong khi đó, Trung Quốc đã hoạt động trở lại, do cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh trên toàn cầu, giá có thể giảm trên 20%.

 

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sự khủng hoảng này sẽ tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong ngành cả về tài chính và lao động. Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4 tới. Cùng với đó, lao động thiếu việc làm từ 30 – 50% trong tháng 4, tháng 5.

 

“Thiệt hại ước tính với ngành dệt may Việt Nam lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5 (riêng Tập đoàn dệt may Việt Nam ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng). Nếu khó khăn kéo dài thêm nữa thì mỗi tháng ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng”, ông Lê Tiến Trường cho hay.

 

Tập đoàn này cũng đưa ra giả thiết, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6, ước tính ngành sẽ thiệt hại 11.000 tỷ đồng, trong đó Vinatex thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD nguyên liệu/tháng, nếu khách hàng hủy 20% đơn hàng thì toàn ngành có 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng, tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển. Ước tính, đến hết năm 2020, số hàng tồn kho trong hai tháng 4 – 5 của toàn ngành sẽ mất 50% giá trị, tương ứng khoảng 300 triệu USD.

 

Để giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại cho ngành dệt may, tại cuộc họp trực tuyến với 22 đơn vị trọng yếu và cơ quan điều hành Tập đoàn để xem xét, nhận định tình hình khẩn cấp và đề ra giải pháp vừa được tổ chức, Tập đoàn đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm là: tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt; áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32 – 40 giờ/tuần, làm việc luân phiên trên cơ sở thống nhất với người lao động.

 

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền cho người lao động hiểu thêm về những khó khăn bất khả kháng của doanh nghiệp để cùng chia sẻ, khắc phục; tiết giảm chi phí, hoãn đầu tư, giảm lương khối gián tiếp tương ứng với công nhân trực tiếp...

 

Tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ miễn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành ngay trong tháng 3 cho phép được xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng dịch, miễn, giảm, hoãn các loại thuế, tiền thuê đất, chính sách sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động thiếu việc làm./.

 

Theo VOV

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang