Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành điện trong những thành tựu chung của đất nước giai đoạn vừa qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh "EVN đã thể hiện được vai trò chủ đạo, chủ động đảm bảo được cân bằng điện, không những thế còn tham gia vào điện khí hoá nông thôn, cấp điện tới 9/12 huyện đảo, tham gia vào năng lượng tái tạo, phục vụ đa mục tiêu, phát triển bền vững"...
Cùng với đó, hệ thống nguồn, truyền tải được đầu tư mạnh mẽ, cân bằng tài chính đã được tháo gỡ, bước đầu xây dựng thị trường điện cạnh tranh và tạo sự đồng thuận, làm quen của xã hội, của người tiêu dùng. Đặc biệt là trong phục vụ khách hàng, ngành điện đã có sự thay đổi nhận thức cơ bản, hết tình trạng "mẹ hát con khen hay", biết so sánh với các quốc gia đi trước để phấn đấu. "Mục tiêu đặt ra phải cao hơn và quyết liệt hơn trên tinh thần phải luôn coi khách hàng là nguyên nhân sự tồn tại của ngành điện", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng định hướng các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành điện trong thời gian tới trên tinh thần "Hiện đại, minh bạch và dịch vụ ngày càng cao, phát triển bền vững". Theo đó, trước khả năng nhu cầu điện vẫn sẽ rất cao, tăng trưởng trên 2 con số nhưng toàn ngành phải tính đến khả năng cao hơn, và điện vẫn phải luôn đi trước, lường trước để chuẩn bị tốt nhất cho "đầu vào" phục vụ nền kinh tế với yêu cầu ngày càng yêu cầu cao hơn từ khách hàng. EVN là tập đoàn nhà nước sẽ vẫn phải giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống dù sẽ có thể giảm xuống 30-40% về nguồn khi chủ trương thu hút tư nhân để đa dạng hoá nguồn, nhưng cũng phải đảm bảo truyền tải, phân phối và sẵn sàng các phương án để cuối cùng là làm sao để đảm bảo điện đầy đủ, chất lượng cho nhu cầu kinh tế.
Chia sẻ với những thách thức của ngành điện, Phó Thủ tướng đề cập đến yếu tố biến đổi khí hậu và cắt giảm phát thải theo cam kết mà Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế. Tại COP21, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết cắt giảm 8% phát thải vào năm 2030 và năng lượng sẽ chiếm 55% tỷ lệ đó. Quy hoạch ngành cho thấy điện than từ 56% sẽ xuống 41% và phải tính toán kỹ nguồn để bù.
Về sản xuất, dự phòng đạt được hiện nay có thể mất đi ngay trong 1, 2 năm tới nếu lơ là, phong trào đi xuống. Hệ thống điện đang lớn thứ 2 ASEAN, trong TOP 30 thế giới, đòi hỏi phải chính xác, nhanh và đảm bảo sự ổn định của hệ thống là một điều hết sức cần lưu ý.
Về đầu tư, thách thức là to lớn, Tập đoàn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là 19 nhà máy điện than, 14,5 triệu tấn tro xỉ phải là vấn đề cần chú ý hơn nữa.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao Huân chương Lao động, Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 số tập thể, cá nhân xuất sắc của ngành điện trong thời gian qua.
Giai đoạn đầu tiên đạt "điện đi trước 1 bước"
Năm 2015 và giai đoạn 5 năm qua đối với EVN được đánh giá là quãng thời gian đầy khó khăn và thách thức. Sản xuất kinh doanh của EVN chịu nhiều tác động bất lợi: lạm phát và lãi suất cao, giá các loại vật tư thiết bị, nhiên liệu liên tục biến động tăng; huy động vốn cho sản xuất và đầu tư khó khăn, tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tài chính năm 2010 để lại.
Trong điều kiện như vậy, Tập đoàn đã được sự chỉ đạo, quan tâm đặc biệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành và đã đạt những thành tích đáng khích lệ. Năm 2015, Tập đoàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt với sản lượng 159,4 tỷ kWh, tăng 11,23% so với năm 2014 và đảm bảo an toàn hệ thống và huy động hợp lý các nguồn điện.
Tổng kết chung cả giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho đất nước, vượt kế hoạch giao hàng năm về sản xuất và cung ứng điện. Sản lượng điện bình quân 10,37%/năm, bình quân trên đầu người đạt 1.536 kWh/người/năm, tăng 56% so với năm 2010 (985,5 kWh/người/năm).
Đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển thị trường điện, đến nay thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành theo đúng các quy định, năm 2015 có 62 nhà máy điện/15.106 MW trực tiếp tham gia thị trường điện, chiếm 39,1% tổng công suất toàn hệ thống. Hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định trong hơn 3 năm thị trường phát điện cạnh tranh đi vào hoạt động (từ 1/7/2012).
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cắt băng khánh thành vận hành trung tâm điều khiển hệ thống điện quốc gia. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Tập đoàn cùng các đơn vị rất nỗ lực và quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quản lý và kỹ thuật để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Tổn thất điện năng đã giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 8,0% năm 2015.
Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai sâu rộng cùng với nhiều dự án cụ thể tại các địa phương. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm nội địa so với với tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 là 1,84 lần so với 2,02 lần giai đoạn 2006-2010, cho thấy tiêu dùng điện đã có chiều hướng hiệu quả hơn.
Công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện của EVN vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Đầu tư lưới điện đáp ứng tiến độ đấu nối các nguồn điện mới và nhu cầu phát triển phụ tải. Các dự án, công trình điện hoàn thành đi vào vận hành đạt hiệu quả cao.
Đến cuối năm 2015, tổng công suất nguồn điện toàn quốc là 38.800 MW (tăng 1,8 lần so với năm 2010) đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Indonesia) và thứ 30 thế giới, trong đó các nguồn điện do EVN và các GENCO sở hữu là 23.580 MW (chiếm 60,8% công suất của hệ thống). EVN hiện đang quản lý hệ thống lưới điện với trên 41.100 km đường dây 500-220-110 kV (tăng 1,5 lần so với năm 2010) và trên 440.000 km đường dây trung thế và hạ thế (tăng 1,2 lần so với năm 2010). Tổng dung lượng trạm biến áp 500-220-110kV tăng 1,8 lần so với năm 2010.
Tập đoàn đã tập trung nỗ lực lớn, hoàn thành vượt kế hoạch đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo giai đoạn 2011-2015 với tổng vốn trên 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng, với trọng điểm thực hiện là vùng đồng bào dân tộc ở miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Đến cuối năm 2015, số xã có điện trên cả nước đạt 99,8%, số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76% (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015 đạt 98%).
Đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đảm bảo an toàn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán, hệ số tự đầu tư đều đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn (Công ty mẹ EVN: hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu 1,67 lần, hệ số khả năng thanh toán: 1,02 lần, tỷ lệ tự đầu tư: 37,5%).
Mục tiêu tổng quát trong giai đoạn tới, EVN hướng tới xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững giữ vai trò chính đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Tập đoàn tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện, hoạt động có hiệu quả, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.
Nguồn: Chinhphu.vn