Trong quá trình bứt phá vươn lên, Ninh Thuận hôm nay đã trở thành một trong những trung tâm năng lượng quốc gia với những dự án điện tái tạo quy mô lớn, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, trở thành “bà đỡ” cho ngành Công Thương tỉnh nhà sánh vai cùng cả nước.
Từ vạch xuất phát chậm và thấp
Năm 1992, Tỉnh Ninh Thuận được tái lập từ một tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội còn thấp, là tỉnh thuần nông với phần lớn diện tích là trung du và miền núi, các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp ít và hầu hết có công nghệ rất lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Song, với quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự năng động, sáng tạo trong công tác điều hành của các cấp chính quyền và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó và ý chí vươn lên của nhân dân trong tỉnh, từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để xây dựng và phát triển.
Ninh Thuận đã tạo được bước đột phá vươn lên, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020, Lãnh đạo Ninh Thuận chủ trương tập trung thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Với nhận thức khai thác năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng, điện khí là tiềm năng của Ninh Thuận, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mục tiêu sẽ đưa Ninh Thuận trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch lớn nhất cả nước, với tổng công suất phát điện lên tới 18 nghìn MW, chiếm gần 1/3 tổng công suất phát điện.
Từ chủ trương đúng đắn này đã phát huy hiệu quả, thu hút 59 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 101.022 tỷ đồng; Đến cuối năm 2020, nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, với 41 dự án tổng quy mô công suất 2.731 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Trong đó có 32 dự án điện mặt trời được vận hành, tổng công suất 2.223 MW; 03 dự án điện gió với tổng công suất 229 MW, 06 dự án thủy điện tổng công suất 279 MW, tổng sản lượng điện phát khoảng 4.000 triệu kWh, tăng hơn 8,9 lần so với năm 2010, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đang triển khai dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 với công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh và dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn năm 2025-2026.
Trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân tạo liên kết hệ thống truyền tải 220 kV và 500 kV, góp phần quan trọng giải tỏa nguồn công suất từ các nhà máy năng lượng tái tạo đấu nối trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Mặt khác, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hệ thống lưới điện truyền tải các cấp điện áp từ 110/220/500 kV cũng đã được đầu tư đồng bộ; Ninh Thuận là địa phương đầu tiên chủ động đề xuất và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tư nhân tham gia triển khai đầu tư dự án trạm biến áp 500 kV Thuận Nam kết hợp dự án điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Dinh.
Đến hiệu quả không chỉ từ kinh doanh điện năng
Đầu tư cho công nghiệp điện, nhưng hiệu quả không chỉ là kinh doanh điện năng. Bởi sản phẩm điện là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Nền kinh tế Ninh Thuận đã thật sự khởi sắc và thay đổi mạnh mẽ. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 14,2% là tiền đề để Ninh Thuận hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tính từ năm 1992, tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 585,7 tỷ đồng, qua gần 30 năm, GDP đã tăng lên 19.557 tỷ đồng, tăng hơn 33,4 lần với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1993 - 2020 đạt 13,4%/năm. Trong đó giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 14,7%/năm, trong đó năm 2020 giá trị sản xuất đạt 8.969 tỷ đồng, tăng hơn 62 lần so với năm 1992.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển công nghiệp ngày càng được chú trọng phát triển: Năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 cụm công nghiệp Tháp Chàm, với quy mô 50 ha, đến nay đã hình thành và quy hoạch 4 Khu công nghiệp và 4 Cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.830 ha, trong đó có 2 KCN và 1 CCN đã đi vào hoạt động; đã thu hút được 39 dự án đầu tư vào SXKD; các doanh nghiệp trong các KCN, CCN tạo việc làm ổn định trên 3.500 lao động.
Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận - Chi nhánh Ninh Thuận mở rộng sản xuất kinh doanh tại Khu công nghiệp Thành Hải.
Song song với phát triển các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích và hỗ trợ phát triển; xây dựng nhiều mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc: Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, dệt chiếu cói An Thạnh..., đồng thời duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống có lợi thế của tỉnh nước mắm, rượu nho, thủy sản...
Một số dự án công nghiệp chế biến được quan tâm mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ; một số dự án đã hoàn thành đưa vào sản xuất, hình thành một số sản phẩm chủ lực có quy mô công suất lớn, tăng giá trị chế biến và chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như: Chi nhánh Nhà máy Bia Sài Gòn, Dệt may Quảng Phú, Tôm đông lạnh, chế biến nhân điều, sản xuất xi măng Luks, sản xuất nước yến, chế biến muối công nghiệp...
Công Thương Ninh Thuận trong tầm nhìn mới
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, tỉnh Ninh Thuận đạt 63,44 điểm, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2019. Điều đó mở ra cho Công Thương Ninh Thuận tầm nhìn mới hướng về các hiệp định EVFTA, TPTPP, RCEP... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ninh Thuận lần thứ XIV đề ra các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP theo giá so sánh năm 2010) đạt 10 - 11%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 6.400 - 6.500 tỷ đồng; Giá trị sản xuất công nghiệp giai đọan 2021 - 2025 tăng 17 - 18%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 15 - 16%..
Để đạt được những mục tiêu đó, Ngành Công Thương Ninh Thuận đang tập trung triển các giải pháp lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành Công Thương Việt Nam:
Một là: Tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, hạ tầng thương mại. Đôn đốc, giám sát tiến độ triển khai đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng truyền tải điện 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo kế hoạch đề ra; Triển khai nhanh các dự án khu vực công nghiệp phía Nam tỉnh, trọng tâm các dự án Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná theo hướng khu công nghiệp sinh thái ven biển.
Hai là: Phối hợp các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút dự án đầu tư thứ cấp, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có đạt từ 50% - 80%; Tăng cường công tác khuyến công, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa; Đẩy mạnh kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; tiếp tục triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch liên kết vùng, hợp tác với các tỉnh trong khâu tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân.
Ba là: Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt, bán hàng lưu động về nông thôn vùng sâu, vùng xa; Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua trong toàn ngành gắn với việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động đăng ký, rèn luyện và làm theo “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Văn Thuận