Khó khăn chồng chất
Vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng ngành điện luôn đảm bảo ở mức cao trên 10% không chỉ là thành tích mà còn là sức ép lớn. Đặc biệt, với mục tiêu cung cấp hơn 232 tỉ kWh, tăng trưởng 9,2% so với năm 2018 thì đây vẫn là một thách thức lớn đối với ngành Điện.
Mặc dù nhu cầu điện liên tục tăng cao song hệ thống điện hầu như không còn dự phòng nguồn cấp. Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư các dự án nguồn điện mới đang chậm tiến độ càng gây khó khăn lớn cho ngành điện.
Trong khi đó thủy điện đang gặp nhiều khó khăn vì thời tiết không ủng hộ, giá than, giá khí đều tăng trong năm 2019 nên khó khăn với ngành điện càng chồng chất song ngành điện đảm bảo sẽ phối hợp đầy đủ với các địa phương, chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc để cung cấp đủ nhu cầu điện, không ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp và đời sống người dân.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định những năm gần đây, EVN đã thực sự “vượt qua chính mình”khi chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đứng thứ 27/190 quốc gia/nền kinh tế, vượt qua cả những nước OECD – những quốc gia phát triển nhất thế giới. Cùng với đó, tổn thất điện năng giảm mạnh, chỉ số tiếp cận điện năng tăng nhanh; công tác điện nông thôn trở thành hình mẫu trên thế giới... Còn Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá trong thời gian qua, khiếu nại của người tiêu dùng đối với Điện lực hiện đã giảm hẳn vì chất lượng phục vụ tốt hơn.
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, triển khai nhiều hệ thống tự động hóa nên mức độ hài lòng của khách hàng với dịch vụ của EVN càng ngày càng nâng cao.
Ứng dụng khoa học công nghệ phát huy hiệu quả
Để đạt được sự hài lòng của khách hàng, thời gian qua, EVN đã thực hiện áp dụng khoa học công nghệ, triển khai nhiều hệ thống tự động hóa. Tại cuộc họp về triển khai một số định hướng tự động hóa trong EVN hôm 8.3 vừa qua, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết các đơn vị đã triển khai hệ thống giám sát trực tuyến, phần mềm thu thập dữ liệu, giám sát thông số vận hành nhà máy.
Đánh giá về những hiệu quả này, PGS - TS. Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) cho rằng, những thành tựu của EVN là không thể phủ nhận, đặc biệt trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ để tiết giảm được chi phí sản xuất như : Công tơ điện tử đo xa, thu tiền điện qua ngân hàng, chỉ số tiếp cận điện năng…
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, riêng năm 2018, sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 193 tỉ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017; đây là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực.
Đồng thời, chỉ tiêu tổn thất điện năng của EVN cũng đã giảm mạnh, từ 10,15% (năm 2010) xuống còn 6,83%, đứng thứ 3 trong khối ASEAN và cao hơn nhiều nước phát triển. EVN và các đơn vị trực thuộc cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản trị doanh nghiệp và kiểm soát hiệu quả chi phí, cắt giảm, tiết kiệm chi phí thường xuyên bình quân 7,5%/năm.
Tổng giám đốc EVN khẳng định ngành điện sẽ cung cấp điện ổn định, tin cậy, chất lượng cao phục vụ nền kinh tế, đảm bảo đủ điện để phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn Lao động