Thứ Hai, 09/12/2024 04:48:44 GMT+7
Lượt xem: 333

Tin đăng lúc 12-06-2024

Ngành Du lịch Thủ đô phục hồi, đạt nhiều kết quả tích cực

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong tháng 5, các chỉ tiêu phát triển của ngành Du lịch Thủ đô đều có mức tăng trưởng cao, vượt các Kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế với mức tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2023 là chỉ tiêu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, tiếp theo đó là chỉ tiêu tổng thu từ du lịch, với mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành Du lịch Thủ đô phục hồi, đạt nhiều kết quả tích cực
Khách du lịch quốc tế đạt 496,5 nghìn lượt khách, tăng 46,7% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: VGP/Minh Anh

Khách đến Hà Nội trong tháng 5 tăng 16,6% so với cùng kỳ

 

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 5/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,37 triệu lượt, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 9.194 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Cụ thể, khách du lịch quốc tế đạt 496,5 nghìn lượt khách, tăng 46,7% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 350 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa đạt 1,88 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong tháng 5, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đồng thời phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện du lịch như: Chương trình "Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hà Nội 2024" và công bố Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ; Chương trình Du xuân hữu nghị 2024.

 

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc phối hợp Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở cũng đã hoàn thành hỗ trợ nước uống, sữa và bánh mì phục vụ nhân dân và du khách đến viếng Lăng Bác năm 2024. Thành phố đã tặng 62.000 suất quà gồm nước, sữa, bánh mì cho du khách đến viếng Lăng Bác vào các dịp lễ lớn như: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); Ngày Quốc tế Lao động (1/5); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5).

 

Đây là một trong những sự kiện thường niên, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm của Hà Nội đối với người dân cả nước và du khách đến thăm Thủ đô. Đồng thời, cũng là hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch, góp phần tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn".

 

Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 11,55 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: khách du lịch quốc tế đạt 2,64 triệu lượt khách, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 1,74 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa đạt 8,91 triệu lượt khách, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 45.856 tỷ đồng, tăng 23,0% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt khách, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 45.107 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Về tình hình lưu trú, trong tháng 5/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 64,7%; giảm 1,7% so với tháng 4/2024 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến 6 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 63,9%; tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Về số lượng cơ sở lưu trú du lịch, Hà Nội hiện 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao với tổng số 26.641 phòng, số khách sạn, căn hộ xếp hạng chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng.

 

Đối với các dịch vụ du lịch đạt chuẩn, trên địa bàn Thành phố hiện có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 07 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phuc vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.

 

Đánh giá về kết quả hoạt động của ngành du lịch Thủ đô trong tháng 5, bà Đặng Hương Giang cho biết, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế có mức phục hồi, tăng trưởng thấp, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục có sự phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu phát triển của ngành đều có mức tăng trưởng cao, vượt các Kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế với mức tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2023 là chỉ tiêu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, tiếp theo đó là chỉ tiêu tổng thu từ du lịch, với mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Hệ thống cơ sở lưu trú các cơ sở (đặc biệt là lưu trú cao cấp 4-5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng.

 

Đối với thị trường quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Các tổ chức, chuyên gia, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch quốc tế tiếp tục đề cử, vinh danh Hà Nội tại các giải thương uy tín, tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Du lịch Hà Nội tiếp tục được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA) đề cử ở 2 hạng mục Asia's Điểm đến kỳ nghỉ ngắn ngày tại thành phố hàng đầu châu Á (Leading City Break Destination 2024) và Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á (Asia's Leading City Destination 2024); Nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã vinh danh Hà Nội ở hạng mục Điểm đến hàng đầu thế giới 2024 và Điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới 2024.

 

Việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình xúc tiến du lịch cũng được đổi mới, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và du khách. Các sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp, thường niên, theo chuỗi từ đầu năm đến cuối năm với nhiều hoạt động, nội dung đặc sắc, hấp dẫn, ứng dụng nhiều công nghệ mới như 3D, Mapping, Drone. Bên cạnh đó, công tác công tác truyền thông quảng bá cũng được chú trọng, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động liên kết với các đơn vị truyền thông, các hãng hàng không để quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các sản phẩm marketing chuyên nghiệp quảng bá trên các nền tảng truyền thông số.

 

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm

 

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, từ nay đến cuối năm, Sở tiếp tục tập trung xây dựng sản phẩm du lịch, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường. Trong đó, tiếp tục ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống; Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức; Tổ chức một số chương trình, nội dung, hình thức nhằm tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội như du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khoẻ…; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử; Tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển du lich nông nghiệp, nông thôn theo Kế hoạch của UBND Thành phố. Đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng...

 

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số theo Kế hoạch 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND Thành phố. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác mô hình du lịch cộng đồng chuyên nghiệp tại các xã miền núi huyện Ba Vì gắn với phát triển các sản phẩm, tour du lịch trải nghiệm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, tiếp tục xây dựng mô hình du lịch cộng đồng chuyên nghiệp tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức.

 

Bà Đặng Hương Giang cũng cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch mới tại các khu vực có tiềm năng, thế mạnh như: du lịch đêm tại khu vực quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch ứng dụng thực tế ảo…;  Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu...

 

Đối với nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, Hà Nội tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...) các kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt "Hà Nội - Đến để yêu" và "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn";  Tổ chức các chuỗi sự kiện, chương trình hấp dẫn, đặc sắc, quảng bá du lịch Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp như: Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2024 (tháng 8/2024), Festival Áo dài Hà Nội 2024 (tháng 10/2024).  Phối hợp các cơ quan, lực lượng chức năng của Thành phố cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công các sự kiện, chương trình hướng đến kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) theo Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 23/3/2024 của UBND Thành phố. Chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và quốc tế từ đầu năm, theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo dựng hình ảnh điểm đến Hà Nội có chất lượng cao.

 

Ngành du lịch Thủ đô xác định công tác xúc tiến du lịch năm 2024 tập trung xúc tiến thu hút các thị trường khách quốc tế trọng điểm gần như: Đông Bắc Á, ASEAN, Ấn Độ và tổ chức xúc tiến tại các thị trường trọng điểm xa nếu đủ điều kiện như: EU, Úc, Mỹ...

 

Đối với thị trường nội địa, triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, ở khu vực phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... nhằm xây dựng các chương trình du lịch liên kết thu hút khách du lịch. Thực hiện tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên tổ chức CPTA, TPO, Liên minh hợp tác các thành phố du lịch Mê Kông - Lan Thương và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác.  Tăng cường tuyên truyền về giải thưởng "World Travel Awards 2024" và hướng dẫn các đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố hưởng ứng bình chọn cho du lịch Việt Nam, các tỉnh, thành phố được đề cử, trong đó có Thủ đô Hà Nội và Sở Du lịch Thành phố, phấn đấu đạt các thứ hạng cao trong cuộc bình chọn...

 

Bên cạnh những nhiệm vụ trên, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính liên quan đến hoạt động du lịch, như: thu thập, thống kê thông tin, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tế.

 

Theo thanglong.chinhphu.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang