Chú trọng đầu tư cho khoa học
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong những năm qua, tập đoàn đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), coi KH&CN là nhân tố quan trọng, cơ bản cho sự tăng trưởng và hiệu quả của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tập đoàn đã tập trung đổi mới trình độ công nghệ, máy móc thiết bị bằng cách tăng cường nhập khẩu công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp chặt chẽ với việc phát huy nội lực, phát triển năng lực nghiên cứu, triển khai để làm chủ các công nghệ nhập, đồng thời từng bước tạo ra công nghệ của mình. Mỗi năm kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển tại tất cả các DN trong tập đoàn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn của các DN và các nguồn vốn khác. Từ nguồn kinh phí này, các DN trong tập đoàn đã thực hiện hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, đã và đang góp phần quan trọng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị, đồng thời tạo nên một phong trào thi đua sáng tạo trong công tác KH&CN của ngành.
Bên cạnh đó, tập đoàn luôn chủ động, tích cực tham gia và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về KH&CN như: Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Chương trình Sản xuất sạch hơn, Đề án Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp. Đồng thời, chú trọng áp dụng các công cụ cải tiến và kiểm soát chất lượng như: Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001, hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18000… góp phần bảo đảm chất lượng ổn định, tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Hiệu quả từ công nghệ mới
Hiện nay, nhiều DN trong tập đoàn đã nghiên cứu và lựa chọn ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất, mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, ứng dụng công nghệ điện phân xút-clo cho màng trao đổi ion ở Nhà máy Hóa chất Biên Hòa và Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì. Việc áp dụng công nghệ mới, hiện đại, thiết bị tiên tiến, chất lượng cao điều khiển tự động làm tăng năng lực sản xuất của 2 nhà máy lên trên 50.000 tấn/năm và tạo sản phẩm có chất lượng vượt trội (NaOH>32%), giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, bảo đảm môi trường.
Tại Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã triển khai công trình chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ hai lần, không những làm tăng hiệu quả sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu mà đặc biệt cũng làm giảm thiểu ô nhiễm khí thải công nghiệp xuống dưới mức cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Định mức tiêu hao lưu huỳnh sau khi chuyển đổi công nghệ giảm 1,2% và đến nay giảm 2,4%, hàng năm tiết kiệm hàng trăm tấn lưu huỳnh nguyên liệu.
Hay tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đã lắp đặt và đưa vào vận hành ổn định hệ thống xử lý khói lò hơi bảo đảm đạt tiêu chuẩn về môi trường quy định. Bên cạnh đó, đã đầu tư và đưa nhà máy lốp xe tải radian công suất 600.000 lốp/năm vào hoạt động. Đặc biệt, tổ chức sản xuất loại lốp ô tô đặc chủng cho xe siêu tải trọng. Loại sản phẩm này có giá trị sản xuất công nghiệp cao, tiềm năng khai thác ở thị trường trong nước và xuất khẩu rất lớn.
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng trở nên quyết liệt, đổi mới KH&CN bảo đảm cho sự phát triển bền vững là một nhu cầu cấp bách đòi hỏi Tập đoàn phải tập trung và tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho KH&CN. |
Nguồn Báo Công Thương