Thứ Sáu, 22/11/2024 09:35:20 GMT+7
Lượt xem: 696

Tin đăng lúc 04-01-2023

Ngành Khoa học và Công nghệ với 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy đưa nền kinh tế bứt phá, có 9 nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Khoa học và Công nghệ đặt ra cho năm 2023.
Ngành Khoa học và Công nghệ với 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2022 được Bộ xác định là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Theo đó, năm 2023 sẽ có nhiều nhiệm vụ thách thức, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh hoạt động tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho cả giai đoạn tiếp theo.

 

Năm 2023 được Bộ Khoa học và Công nghệ đặt ra mục tiêu không ít thách thức, trong đó phấn đấu tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức 50% (chỉ số này giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 45,7%). Đóng góp được ghi nhận thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học; hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

 

Các nguồn lực sẽ được huy động đa dạng để đầu tư, phát triển tiềm lực, mục tiêu đến 2025 đầu tư cho khoa học và công nghệ, đạt 1,2% - 1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8% - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65%.

 

Ngành khoa học cũng xác định, năm 2023 số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng tối thiểu 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 30%.

 

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, năm 2023 ngành đặt mục tiêu số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10%/năm. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng tối thiểu 12% - 14%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng tối thiểu 10% -12%/năm, 8% - 10% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. "Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 6% - 8% số sáng chế được cấp bằng bảo hộ", ông Định nói.

 

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, Bộ xác định chuyển đổi số các quy trình quản lý chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sẵn sàng tiến tới quản lý, tác nghiệp 100% trên môi trường mạng. Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy đưa nền kinh tế bứt phá, có 9 nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Khoa học và Công nghệ đặt ra cho năm 2023.

 

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách, trọng tâm sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung. Cụ thể đến năm 2025, Bộ tiếp tục đăng ký sửa đổi, bổ sung thêm 4 luật gồm: Luật khoa học và công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. 5 trong 8 luật của ngành sẽ được sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động khoa học công nghệ cho giai đoạn tiếp theo.

 

Các khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ được tháo gỡ, điều chỉnh theo hướng chấp nhận rủi ro trong khoa học và độ trễ về ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ.

 

Thứ hai, triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Thứ ba, sắp xếp hệ thống tổ chức công lập theo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ đã được phê duyệt, phù hợp với định hướng phát triển, kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và gắn kết nghiên cứu với đào tạo. Thứ tư, triển khai hiệu quả các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030. Hoàn thiện, vận hành hệ thống quản lý các chương trình, nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, bảo đảm công khai, minh bạch.

 

Thứ năm, nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off). Kết nối hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

 

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển thị trường, doanh nghiệp và dịch vụ khoa học công nghệ, cùng thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường. 

 

Thứ bảy, tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu quốc tế, các nhiệm vụ hợp tác song phương, mở rộng, phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới ở nước ngoài.

 

Thứ tám, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân.

 

Thứ chín, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 

Theo VietQ.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang