Thứ Sáu, 22/11/2024 00:43:52 GMT+7
Lượt xem: 1719

Tin đăng lúc 29-03-2019

Ngành mía đường Việt Nam: Cơ hội và thách thức sau bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu

Từ ngày 1/1/2020 VN sẽ chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN. Theo Bộ Công thương, việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan này là theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Vì vậy, DN ngành mía đường trong nước sắp tới sẽ có rất nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn trong khối ASEAN, đặc biệt là đường giá rẻ từ các nước sản xuất đường trong TOP đầu TG như Thái Lan
Ngành mía đường Việt Nam: Cơ hội và thách thức sau bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu

Thách thức lớn đối với ngành mía đường

 

Theo dự báo, nguồn cung đường niên vụ 2018-2019 khoảng trên 2,2 triệu tấn (bao gồm tồn kho hơn 600 ngàn tấn, sản xuất dự kiến 1,5 triệu tấn và đường nhập khẩu năm 2018 gần 100 ngàn tấn) trong đó chưa kể lượng đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 500.000 ngàn tấn và đường lậu luôn bán dưới giá thị trường đường trong nước từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng. Trong bối cảnh đó nguồn cung thế giới tiếp tục dư thừa khoàng 7 triệu tấn và giá đường liên tục giảm, dẫn đến tâm lý tiêu cực về bức tranh thị trường đường trong nước. Mức dư thừa này dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2019, nên có thể giá sẽ giảm thấp nhất trong 5 năm qua.

 

Có thể nói, Việt nam là nước có chi phí sản xuất đường cao nhất so với các quốc gia sản xuất khác trên thế giới (cao hơn 45% so vơi Thái Lan và 72% so vơi Brazil). Nguyên nhân chính là do công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chi phí sản xuất cao, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, không cơ giới hoá (Phần lớn chi phí sản xuất chiếm tỉ lệ cao nhất là khâu công lao động chiếm hơn 60% tổng chi phí). Giá mía tại ruộng của Việt Nam dao động từ 900.000 đồng/tấn-1.200.000 đồng/tấn trong khi giá mía của Thái Lan chỉ khoảng 600.000 đồng/tấn. Chất lượng mía của Việt Nam cũng chưa cao (Việt Nam trung bình cần tới 14 tấn mía cho sản xuất 01 tấn đường, trong khi ở Thái Lan là 9 tấn) chất lượng mía nguyên liệu lẫn nhiều tạp chất. Do chỉ tập chung vào sản phẩm cốt lõi là đường, nên giải pháp giảm chi phí hiệu quả nhất cho các cơ sở sản xuất đường tại Việt Nam đó là kết hợp sản xuất các các sản phẩm phụ khác như: điện sinh khối, mật rỉ, cồn, …Các sản phẩm này gián tiếp sẽ làm giảm giá thành và chi phí sản xuất, tuy nhiên hoạt động này tại Việt Nam còn rất hạn chế.

 

Bên cạnh mối lo ngại về chi phí sản xuất, việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm kiếm các kênh phân phối mới, công tác dự báo còn khá bị động (điển hình như trong năm 2018, rất nhiều nhà máy đường phía Bắc kỳ vọng vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi thị trường này biến động, chính sách xuất nhập khẩu của nước bạn thay đổi, thắt chặt dẫn đến việc ùn ứ một lượng lớn đường tại cửa khẩu không xuất khẩu được).

 

Cùng với đó, việc thu hoạch, thu mua đều bấp bênh theo thị trường, khiến cả người trồng và doanh nghiệp sản xuất đều không thể chủ động về giá cả và thị trường tiêu thụ, đường tồn kho tăng theo từng năm. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp ngành mía đường chưa thể chủ động, tự tin để thích ứng với hoàn cảnh mới, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn muốn tiếp tục được Chính phủ kéo dài thêm thời gian bảo hộ sản xuất.

 

Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh

 

Bên cạnh những thách thức, cũng có rất nhiều tín hiệu tích cực đối với ngành đường, đặc biệt là trong xu thế phát triển tích cực của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng đường trong nước ngày càng tăng (do mức tiêu thụ bình quân/người còn thấp(Theo OECD, mức tiêu thụ đường của Việt Nam đạt 20,2kg/người/năm thấp hơn nhiều quốc gia khác như Thái Lan 37 kg/người/năm, Campuchia 31 kg/người/năm, Ấn Độ 22,4 kg/người/năm…) thị trường đường trong nước chắc chắn sẽ còn mở rộng trong trung và dài hạn.

 

Việt Nam cũng là nước tham gia nhiều hiệp định thương mại cũng mang lại nhiều thị trường xuất khẩu cho ngành đường cũng như cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá sản phẩm (chú trọng vào các sản phẩm có giá trị thặng dư cao). Một ví dụ điển hình trong năm 2018, tập đoàn Thành Thành Công đã xuất khẩu được mật rỉ sang thị trường Úc, và xuất khẩu đường Oganic sang thị trường Mỹ & Châu Âu, điều mà trước đây các doanh nghiệp trong nước chưa làm được.

 

Bên cạnh việc liên tục nâng cao năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh, giảm chi phí quản lý. Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chứng kiến xu hướng sát nhập giữa các công ty Mía đường hoặc các công ty cùng trong chuỗi giá trị. Điển hình là Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh nắm 100% cổ phần Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai; 30,54% cổ phần CTCP Đường Nước Trong và 39,23% cổ phần CTCP Mía đường Tây Ninh. Đường Biên Hoà nắm 100% cổ phần Công ty TNHH MTV Biên Hòa – Ninh Hòa; 94,51% cổ phần CTCP Đường Biên Hòa – Phan Rang và 13,08% cổ phần Đuờng Sơn Dương.

 

Một ví dụ điển hình khác: Vinamilk mua lại 65% cổ phần đường Khánh Hoà, THMilk mua lại nhà máy đường Tate & Tyle (Như chúng ta đã biết, đường là một trong những nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm sữa, mật rỉ và bã mía cũng là nguyên liệu được phối trộn dùng làm thức ăn cho bò sữa…)

 

Trong bối cảnh ngành đường Việt Nam còn nhiều bất cập về vùng nguyên liệu, tập quán canh tác….khiến giá thành sản xuất mía cao hơn so với các nước khác. Việc hội nhập với thị trường trong khu vực và thế giới là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt cũng là chất xúc tác để các nhà máy đường nhìn nhận lại mình, tự đổi mới, chú trọng gia tăng tỷ lệ cơ giới hoá trên đồng ruộng, liên kết chặt chẽ hơn với nông dân trồng mía thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, giống mía, phân bón…đảm bảo giá thành thu mua, đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Các đơn vị sản xuất cũng cần tích cực đầu tư các mảng phụ phẩm, thông qua sản phẩm đó để giảm áp lực giá thành cho sản phẩm đường.

 

Hiện tại, VSSA đang thúc đẩy các đơn vị sản xuất đường phát triển ngành điện sinh khối thông qua việc kiến nghị Chính phủ không phân biệt giá điện của nhà máy thuần phát điện và nhà máy đồng phát điện. Hy vọng trong tương lai gần, giá điện của nhà máy đường bán cho lưới điện quốc gia sẽ tăng giúp qua đó giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm đường.

 

Việc chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN được đánh giá là bước đi vững chắc, tạo lập sức cạnh tranh khi mở cửa thị trường đường vào năm 2020 và sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn nguyên, liệu máy móc tốt hơn sản xuất trong nước. Tuy nhiên sẽ có không ít tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đường Việt Nam. Các doanh nghiệp ngành đường cần phải có sự chuẩn bị tốt để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nhập khẩu có giá thành rẻ.

 

Theo congthuong.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang