Chủ Nhật, 24/11/2024 02:44:02 GMT+7
Lượt xem: 1383

Tin đăng lúc 04-09-2018

Ngành phần mềm Việt Nam trước khi Vingroup tuyên bố gia nhập

Vingroup có thể sẽ là nhân tố đáng kể thúc đẩy sự tăng tốc cho doanh thu ngành phần mềm và những sản phẩm AI của Việt Nam.
Ngành phần mềm Việt Nam trước khi Vingroup tuyên bố gia nhập
Buổi phỏng vấn tại một hội chợ tuyển dụng lao động ngành phần mềm.

Cuối tháng 8, Vingroup công bố chiến lược thành tập đoàn công nghệ với ba mũi nhọn, chính thức đặt chân vào ngành công nghiệp phần mềm đang ở giai đoạn phát triển sôi nổi tại Việt Nam. Ngành này từ nền tảng gia công ban đầu nay đã có những sản phẩm riêng và xuất hiện các tiên phong về ứng dụng những công nghệ mới như AI hay Blockchain.

 

Tăng liên tục về quy mô

 

Báo cáo tổng kết năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, xuất khẩu phần mềm cả nước đạt khoảng 58.500 tỷ đồng tăng 4,4% so với 2016.

 

Trước đó, theo đánh giá Gartner, Việt Nam thuộc 10 nước mới nổi về gia công phần mềm hấp dẫn nhất châu Á - Thái Bình Dương. Còn theo xếp hạng 100 thành phố hấp dẫn nhất về dịch vụ gia công năm 2016 của Tholons, Hà Nội và TP HCM lần lượt hạng 19 và 18. Danh sách của Cushman & Wakefield đánh giá Việt Nam đứng số một trong số các điểm đến về BPO (dịch vụ thuê ngoài công nghệ thông tin)

 

Là khu công nghệ thông tin tập trung hàng đầu của cả nước, năm 2017, doanh thu của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đạt hơn 8.000 tỷ đồng (khoảng 354,5 triệu USD), tăng 25% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 70%, tăng gần 35%.

 

Doanh thu ngành phần mềm nửa đầu năm 2018 vẫn đang đà đi lên. Tổng doanh thu của 155 doanh nghiệp đang hoạt động tại QTSC ước đạt 3.316 tỷ đồng (khoảng 146 triệu USD), tăng 25,5% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, xuất khẩu đạt 93,37 triệu USD, tăng 36,5%.

 

Mức tăng trưởng 25-30% mỗi năm đang phổ biến với các doanh nghiệp phần mềm làm ăn hiệu quả. Đây cũng là mức tăng trưởng trung bình hàng năm của "anh cả" ngành gia công phần mềm là FPT từ 2010. Năm ngoái, doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT đạt 6.242 tỷ đồng, kế hoạch năm nay là 7.700 tỷ đồng. Trong chiến lược toàn cầu hóa, FPT đặt mục tiêu một tỷ USD xuất khẩu phần mềm vào năm 2020.

 

Sự tăng trưởng nóng của ngành phần mềm cũng kéo theo "cơn khát" nguồn nhân lực. Theo thống kê của VietnamWorks, 3 năm trở lại đây, số việc làm ngành IT được đăng tải trên trang này tăng gấp rưỡi. Số liệu năm 2017 cho thấy có gần 15.000 vị trí tuyển dụng, tính riêng mảng phát triển ứng dụng phần mềm và phần cứng. TP HCM là trung tâm công nghệ lớn nhất trong cả nước, chiếm 53% lượng vị trí đăng tuyển.

 

Nhộn nhịp dùng AI, Blockchain

 

 

 Chiếc xe tự lái trong khuôn viên nội bộ FPT Software ở khu công nghệ cao TP HCM

 

Một khảo sát với những người làm ngành công nghệ do VietnamWorks mới công bố cho hay, 86% nhìn thấy tiềm năng phát triển về những lợi ích mà AI và Blockchain mang lại.

 

Top 3 các quan điểm về “lợi ích của AI sẽ thể hiện rõ nhất sự tác động tại Việt Nam trong tương lai 5 – 10 năm tới” lần lượt là:  ứng dụng AI vào dữ liệu lớn (Big Data) nhằm phân tích số liệu và đưa ra giải pháp tốt hơn (39%), tạo ra các cỗ máy thông minh giúp nền công nghiệp chuyển sang tự động hóa hoàn toàn (24%), tạo ra robot thông minh, giúp con người giảm thiếu các công việc nguy hiểm trong tương lai.  

 

Đối với Blockchain, top những lợi ích gồm: ngành ngân hàng/tài chính ứng dụng Blockchain trong giao dịch chuyển tiền ở bất cứ đâu, an toàn, bảo mật, nhanh chóng (22%), tạo ra ứng dụng để kiểm chứng chất lượng và tính xác thực của hàng hóa, quy trình hợp đồng/thanh toán (18%), vận hành doanh nghiệp lớn hoặc hệ sinh thái công nghệ (ecosystem) tăng độ xác thực và tin cậy (13%).

 

Đó cũng chính là lý do hai công nghệ "thời thượng" này rất được các hãng phần mềm Việt Nam quan tâm. Trong đó, AI cũng là mục tiêu của Vingroup.

 

Từ 2016, FPT Software bắt đầu nghiên cứu công nghệ xe tự lái và công bố chiếc xe hơi thử nghiệm công nghệ tự lái đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 10/2017. Trung tuần tháng 7, đơn vị này đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho thử nghiệm xe tự lái trong nội bộ Khu công nghệ cao TP HCM.

 

Những doanh nghiệp chuyên phát triển phần mềm lâu năm như Lạc Việt hay MISA cũng có bước chuyển mình với AI. Nếu như Lạc Việt đã phát triển được các ứng dụng hỏi đáp tự động về pháp luật và sức khỏe thì MISA phát triển các phần mềm quản lý nhà hàng, cửa hàng, tài chính cá nhân.

 

Thậm chí, ngay cuối tháng 8, MISA còn công bố giải pháp hóa đơn điện tử đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Đại diện công ty cho biết, phần mềm hóa đơn điện tử dùng công nghệ này sẽ đảm bảo tính an toàn, minh bạch và tin cậy.

 

Thực tế, về kế hoạch ứng dụng AI hoặc Blockchain, 66% người tham gia khảo sát của VietnamWorks cho biết doanh nghiệp họ có quan tâm đến những công nghệ này. Trong đó, khoảng 25% nói rằng đang có kế hoạch ứng dụng AI hoặc Blockchain trong 3 năm trở lại đây.

 

Ba mũi nhọn trong chiến lược thành tập đoàn công nghệ của Vingroup.

- Tập trung đầu tư nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập công ty VinTech. VinTech sẽ nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm, nghiên cứu phát triển nguyên vật liệu mới.

- Đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City tại Hà Nội, theo mô hình thung lũng Silicon (Mỹ). Đây sẽ là hệ sinh thái toàn diện phục vụ các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin.

- Lập quỹ đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu

 

Theo Vnexpress


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang