Chủ Nhật, 24/11/2024 14:08:16 GMT+7
Lượt xem: 5478

Tin đăng lúc 29-04-2015

Ngành sản xuất ô tô Việt Nam: Đứng bên bờ ảo vọng?

Có một thời, người ta kỳ vọng ngành sản xuất ô tô Việt Nam sẽ nhanh chóng “cất cánh”, bởi Việt Nam sớm trở thành “con rồng châu Á”, với số dân gần đạt ngưỡng một trăm triệu người, nhu cầu mua sắm tăng nhanh, lại có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi ngành ô tô phát triển. Nhưng đến bây giờ, kỳ vọng đó đã trở thành ảo vọng!
Ngành sản xuất ô tô Việt Nam: Đứng bên bờ ảo vọng?
Trong xưởng bảo dưỡng, sửa chữa ô tô của hãng Toyota tại Việt Nam

Tính đến nay, Việt Nam đã có lịch sử 20 năm hình thành ngành công nghiệp ô tô và 13 năm xây dựng chiến lược phát triển ngành với trọng tâm nội địa hóa (NĐH) là cốt lõi từ năm 2002.  Vì mong muốn Việt Nam có một ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa, Chính phủ đã 3 lần phê duyệt Quyết định phát triển cho ngành này. Ban đầu là hai Quyết định 175/2002/QĐ-TTg và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu 2005, các DN ô tô phải đạt tỷ lệ NĐH đối với dòng xe phổ thông là 40% và đến 2010 đạt 60%; đối với xe cao cấp tỷ lệ NĐH đến năm 2010 đạt 35-40%. Năm 2007, Chính phủ có thêm quyết định xếp công nghiệp ô tô vào “công nghiệp mũi nhọn” với hàng loạt ưu đãi chính sách, thuế đất, phí nhập khẩu… Tuy nhiên, đến năm 2010, tỷ lệ xe ô tô sản xuất tại Việt Nam được NĐH vẫn còn xa vời so với mục tiêu. Tháng 7/2014, Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1211/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong Quyết định này, đến năm 2020, xe ô tô đến 9 chỗ, ô tô tải phải có tỷ lệ NĐH từ thấp nhất là 30% cao nhất là 45%, năm 2025 là 40% - 70%, năm 2030 là 50% - 75%, xe chuyên dùng thấp nhất là 25% và cao nhất là 60%. Tuy nhiên, tỷ lệ NĐH yêu cầu trong Quyết định 1211 đang là “thách thức” đối với các DN ngành ô tô bởi thực tế, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (IPSI) - Bộ Công Thương, tỷ lệ NĐH của các DN ô tô tại Việt Nam hiện chỉ dưới 10%. Không DN nào đáp ứng được yêu cầu NĐH của Chính phủ đặt ra.

 

Theo nhiều chuyên gia, ưu đãi quá lớn về chính sách cho ngành kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực công nghệ cao đối với công nghiệp ô tô như: Miễn giảm thuế TTĐB, tiền thuê đất, máy móc, thiết bị, giảm thuế nhập linh phụ kiện… đã khiến nhiều DN liên doanh được hưởng lợi trong khi chúng ta lại không ràng buộc rõ trách nhiệm khi không đạt mục tiêu. Đáng lẽ, tỷ lệ NĐH xe thông thường năm 2005 phải đạt 40%, nhưng kéo đến năm 2010 vẫn không đạt được.

 

Công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển 20 năm qua chỉ là rắp ráp và sắp tới chưa chắc lắp ráp đã còn “đất sống”.

 

Lắp ráp ô tô tại Việt Nam

 

Tại thị trường ôtô Việt Nam, trong khi sản lượng xe lắp ráp trong nước (CKD) đang tỏ ra đuối dần, thì các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) lại cho thấy đà tăng tốc mạnh mẽ. Vài năm trở lại đây, khi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập quốc tế, đặc biệt là đối với khu vực ASEAN và ATIGA (ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) bắt đầu vào sâu hơn, thị trường ô tô CBU bắt đầu có những chuyển biến rõ rệt. Năm 2009, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt kỷ lục từ trước tới nay, lên đến 80.596 chiếc; năm 2010 là 53.841 chiếc; năm 2011 đạt 54.621 chiếc; năm 2012 giảm xuống còn 27.415 chiếc; năm 2013 là 35.125 chiếc và đến năm 2014 lại tăng lên 71.045 chiếc.

 

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 3/2015 đạt 217 triệu USD với 8.000 chiếc, đã kéo tổng kim ngạch nhập khẩu của cả quý I năm nay lên 537 triệu USD với 23.000 chiếc, tăng đến 154,7% về giá trị nhập khẩu và 116,4% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn ngành hàng này, bao gồm cả linh phụ kiện ô tô các loại, thì tổng kim ngạch nhập khẩu trong quí I/2015 đạt đến 1,1 tỉ USD, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với con số của toàn quý I, dự báo doanh số nhập khẩu ô tô nguyên chiếc năm nay tiếp tục đà tăng mạnh. Sau năm 2014, nhập khẩu ô tô Việt Nam đã đạt mức tăng kỷ lục trong vòng 5 năm, giá trị nhập khẩu lên đến 1,58 tỉ USD, với 71.045 chiếc các loại, tăng đến 102% về số lượng và 119% về giá trị so với năm 2013. Doanh số nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của cả năm 2014 cũng đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2013.

 

Theo số liệu Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng ô tô tiêu thụ trong năm 2014 đạt 157.800 chiếc, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2014, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 32%, trong khi xe nhập khẩu tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trong cuốn Sách Trắng 2014 vừa được phát hành, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã vẽ ra một nguy cơ hiện hữu và rất đáng lo ngại đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là sự áp đảo hoàn toàn của xe CBU. Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI ) có văn bản “kêu cứu” gửi tới các cơ quan chức năng về tình trạng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang tràn vào Việt Nam, gây bất lợi cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, bởi vì thuế nhập khẩu linh kiện cao hơn thuế nhập khẩu nguyên chiếc. Tại cuộc họp báo ngày 2/4 vừa rồi, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), cho biết, trước kế hoạch giảm thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN xuống 0% vào năm 2018, doanh nghiệp này đang cân nhắc quyết định có tiếp tục sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hay nhập khẩu. Ông này cho rằng, nguyên nhân chính là do chúng ta quá thiếu doanh nghiệp (DN) phụ trợ đủ cung cấp cho sản xuất của họ. DN này thường xuyên phải đi nhập khẩu linh kiện với chi phí cao và nếu năm 2018 thuế suất giảm xuống 0%, giá sản xuất trong nước sẽ cao hơn nhập khẩu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc cào bằng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang “giết chết” chủ trương nội địa hóa.

 

Công nghiệp ô tô Việt Nam đang ở vào thế mong manh. Phải chăng đang đứng bên bờ ảo vọng!

 

Xuân Lê


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang