Thứ Bẩy, 05/10/2024 06:20:51 GMT+7
Lượt xem: 1773

Tin đăng lúc 12-09-2024

Ngành Than nỗ lực bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết rất quan trọng với tiêu đề: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. Cuốn sách đã được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sáng ngày 09/02/2022 tại Hà Nội.
Ngành Than nỗ lực bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh TTXVN.

Kỳ 1: Bảo vệ môi trường sống: Ý nghĩa quan trọng trên con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta

 

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết rất quan trọng với tiêu đề: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. Cuốn sách đã được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sáng ngày 09/02/2022 tại Hà Nội.

 

Cuốn sách thể hiện câu chữ lập luận sắc bén và trí tuệ. Nội dung bài viết đã bồi thêm kiến thức cho chúng ta hiểu về các vấn đề cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đồng thời, một lần nữa khẳng định chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.

 

 

Cuốn sách một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở VN của TBT Nguyễn Phú Trọng là tập hợp của 29 bài viết

 

Trong nội dung bài viết có một vấn đề rất hệ trọng được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập và phân tích thấu đáo là: Mối quan hệ giữa “phát triển” và “môi trường” trên con đường đi lên CNXH ở nước ta. Đây là hai yếu tố then chốt luôn tồn tại song song và đối lập trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đòi hỏi phải được giải quyết hài hòa, hợp lý, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài cho đất nước. Trên thực tế, đây cũng chính là một trong những vấn đề cơ bản luôn được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. Trong quá trình sản xuất, xây dựng và phát triển của TKV, các cấp ủy Đảng luôn quán triệt sâu sắc đến cán bộ, công nhân viên (CBCNV) về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước là luôn nỗ lực, không ngừng phát triển, sản xuất phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường (BVMT); giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa “phát triển” và “môi trường” để hướng tới sự phát triển bền vững, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa nước ta từng bước đi lên CNXH.

 

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế

 

Trong lịch sử của nhân loại, con người đã không ngừng khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất ra của cải vật chất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình ấy, con người đã có tư duy, nhận thức sai lầm tự coi mình là chủ nhân của Trái đất, nên có thể cải tạo và chinh phục thiên nhiên, vì vậy đã khai thác tài nguyên một cách kiệt quệ, không thương tiếc và lãng phí. Đã dẫn đến cho chúng ta thấy một bài học sâu sắc, đó là hậu quả tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên ngày càng gia tăng đến mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của Trái đất và nhân loại.

 

 

Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu trong lễ ra mắt cuốn sách. Nguồn Internet

 

Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những thực trạng đó, thẳng thắn thừa nhận những hệ quả xấu tác động đến môi trường sống của con người, xuất phát từ hành động khai thác sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sự phát triển bằng mọi giá mà không xem xét, cân nhắc đến yếu tố môi trường, những hệ quả đó đã trở nên nghiêm trọng tới mức trở thành những thách thức toàn cầu. Trong bài viết có đoạn: “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa”.

 

Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hai yếu tố “phát triển” và “môi trường”, từng bước đưa nước ta đi lên CNXH, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững”. Theo quan điểm của cố Tổng Bí thư, để có thể phát triển bền vững và giải quyết tận gốc các vấn đề suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường hiện nay, chúng ta cần phải tập cách sống tôn trọng, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên, phát triển kinh tế phải luôn đi đôi với BVMT sinh thái, phải coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của quá trình phát triển của đất nước. Đó cũng chính là phương pháp làm ăn kinh tế có tầm nhìn xa trông rộng, có tính toán khoa học, bài bản, chăm lo gìn giữ và vun đắp môi trường sống “xanh - sạch - đẹp” lâu bền cho con cháu mai sau, không để xảy ra viễn cảnh như câu tục ngữ sâu sắc mà ông cha ta đã nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

 

Mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước qua các thời kỳ luôn hướng đến “vì nhân dân”

 

Bảo vệ môi trường là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc” nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian viết tác phẩm “Đời sống mới” (với bút danh Tân Sinh) kêu gọi xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ gắn với giữ gìn vệ sinh, BVMT: “Trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng... Luôn luôn cố gắng, làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng”… “Làm cho làng mình thành một làng phong thuần tục mỹ”. Tiếp sau đó, trong rất nhiều bài nói, bài viết, Người vẫn luôn nhắc nhở tầm quan trọng đặc biệt của BVMT, bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân.

 

 

Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần XIII năm 2021 lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu... Ảnh minh họa, nguồn internet

 

Thực hiện lời dạy của Bác, trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, vấn đề BVMT luôn ở vị trí quan trọng, điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề BVMT. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ năm 1991, Đảng ta khẳng định: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc BVMT, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau”. Ngày 25/6/1998 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị nêu rõ: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân...; bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục bổ sung: “… Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.

 

Trước những yêu cầu ngày càng cấp bách về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thiên nhiên, ngày 03/6/2013 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, nhấn mạnh: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước”.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) đã đề ra quan điểm, chủ trương thể hiện tính chiến lược và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong công tác BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh: “…Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường…”.

 

 

Nhân dân xã Bình Trị và xã Bình Thuận thăm quan hồ xử lý nước thải nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh minh họa, nguồn internet

 

Để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác BVMT trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đơn cử như, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 (năm 2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang điện sạch và Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Thực tế tại Việt Nam những năm qua cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề BVMT lên hàng đầu; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân làm mục tiêu trong chiến lược phát triển đất nước.

 

Tính ưu việt của chế độ XHCN với công tác bảo vệ môi trường

 

Để hiểu một cách sâu sắc luận điểm này, chúng ta hãy tham khảo câu chuyện tại một đất nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) là: Cuối tháng 06/2022, Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết hạn chế quyền hạn của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), tòa này phán rằng EPA không có quyền định ra giới hạn mức độ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bắt buộc đối với các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá. Điều này đã gây ra trở ngại lớn cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Phản ứng về phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, Tổng thống Joe Biden gọi đây là “một quyết định tai hại khiến đất nước thụt lùi”. Chỉ trích quyết định của Tòa án Tối cao, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho rằng phán quyết của Tòa đã “đặt mạng sống của người dân Mỹ vào tình thế nguy hiểm”. Việc phán quyết trên của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ cho thấy bộ máy nhà nước tam quyền phân lập của nước Mỹ đang bộc lộ những mâu thuẫn và mất cân bằng nghiêm trọng trong những quyết sách về vấn đề BVMT gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân của vấn đề này có thể xuất phát từ những xung đột nội bộ về lợi ích kinh tế giữa các tổ chức quyền lực TBCN, là căn nguyên hình thành sự tranh chấp và bất đồng cố hữu giữa các đảng phái đối lập trong một môi trường chính trị phức tạp, thiếu tính tập trung. Từ đó dẫn đến hệ lụy tiếng nói của người dân chưa thực sự được lắng nghe một cách thỏa đáng và đời sống của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá trình sản xuất công nghiệp thiếu sự kiểm soát đúng mức về môi trường. Điều này cho thấy nền dân chủ của xã hội tư bản đang tồn tại những vấn đề bất cập, nan giải và “những khủng hoảng mang tính toàn cầu hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ Tư bản chủ nghĩa” - đúng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”.

 

Nhưng tại Việt Nam, chúng ta lại thấy rõ một bức tranh chính trị khác biệt hoàn toàn so với các nước tư bản phương Tây. Việt Nam - một đất nước mà nhân dân nắm giữ địa vị cao nhất, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thì vấn đề BVMT cũng không phải là ngoại lệ. Chính sách môi trường cũng như bất kỳ chủ trương, chính sách hệ trọng nào của đất nước đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong mọi việc từ nhỏ đến lớn, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Phương châm của Việt Nam là luôn thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

 

 

Người dân tham gia giám sát việc xử lý nước của NMLD Dung Quất. Ảnh nguồn internet

 

Chính vì thế, công tác BVMT song song với phát triển kinh tế luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, vì mục tiêu tối thượng là chăm lo cho đời sống nhân dân được bình an, hạnh phúc, không để nhân dân phải chịu khổ vì sự tranh chấp lợi ích của một vài cá nhân hay phe nhóm chính trị nào. Khi công tác BVMT được làm tốt thì người dân được sống trong một môi trường trong lành, không ô nhiễm, sức khỏe và các điều kiện sinh hoạt được bảo đảm, cũng chính là lúc người dân được tiếp cận và hưởng thụ các giá trị của hạnh phúc. Khi người dân hài lòng về đời sống vật chất, tinh thần tốt đẹp mà thể chế chính trị ưu việt đã kiến tạo và mang lại cho họ thì đất nước sẽ bình yên, xã hội sẽ an toàn, người dân hạnh phúc, nhân dân sẽ càng thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Thực tiễn đó đã khẳng định vô cùng thuyết phục tính ưu việt của chế độ XHCN mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Một xã hội hoàn toàn là của dân, do dân và vì dân, Đảng và Nhà nước không có một lợi ích nào khác ngoài lợi ích phục vụ nhân dân, một xã hội hướng tới các giá trị đích thực vì con người, đó chính là bản chất ưu việt của chế độ XHCN mà không một chế độ nào khác có được.

 

Tiếp kỳ 2: Ngành Than: Nỗ lực bảo vệ môi trường - hành động thiết thực, góp phần xây dựng chế độ CNXH ở nước ta

 

ThS. Lê Văn Thuấn - Đảng bộ Công ty Môi trường - TKV

 

Bài viết tham dự Giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) tỉnh Quảng Ninh lần thứ V - Năm 2024


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang