Thứ Sáu, 22/11/2024 13:41:58 GMT+7
Lượt xem: 3075

Tin đăng lúc 08-03-2019

Ngành Y tế Điện Biên: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới

Điện Biên là tỉnh miền núi cách xa trung tâm Thủ đô, trình độ nhận thức và am hiểu về bệnh dịch và chăm sóc sức khỏe của phần lớn người dân tộc còn nhiều hạn chế, cùng với đó việc tổ chức mạng lưới y tế ở tuyến huyện, xã chưa phù hợp, hoạt động hiệu quả chưa cao.
Ngành Y tế Điện Biên: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới
Trong năm 2018, ngành y tế Điện Biên đã khám bệnh cho 905.975 lượt bệnh nhân

Định mức biên chế cho đội y tế dự phòng, trạm y tế các tỉnh miền núi chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, bác sĩ chuyên khoa sâu, kỹ thuật viên tại tuyến tỉnh, huyện còn thiếu nhiều. Một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch tại các khu vực vùng cao, biên giới, cơ sở vật chất và trang thiết bị đã lạc hậu ở một số cơ sở chưa được đầu tư mới, còn nhiều thiếu thốn… Những khó khăn đó đang là rào cản thường niên, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của ngành Y tế.

 

Nhận thức sâu sắc về những điều kiện khó khăn đó của địa phương, lãnh đạo ngành Y tế Điện Biên và CBCNV xác định tư tưởng rõ ràng, mọi người đều được quán triệt sâu sắc về tinh thần vượt khó và nâng cao trách nhiệm để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Trong năm qua, ngành Y tế Điện Biên đã thực hiện khám chữa bệnh tại các tuyến, đặc biệt là, công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách. Sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.Triển khai thực hiện hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Nâng cao kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử tại các cơ sở y tế, thực hiện y đức của người thầy thuốc. Cụ thể, ngành đã khám bệnh cho 905.975 lượt bệnh nhân, đạt 91% KH; điều trị nội trú 101.970 lượt, điều trị ngoại trú cho 9112 lượt; kê đơn cấp thuốc tuyến xã cho 304.982 lượt, công suất sử dụng giường bệnh đạt 111,4%.

 

 

Hội nghị triển khai ký kết hợp đồng khám chữa bệnh BHYT giữa Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên

 

 

Là tỉnh miền núi có nhiều xã, bản ở vùng sâu, vùng biên giới, giao thông đi lại rất khó khăn, vì vậy lãnh đạo ngành đã chủ động xây dựng kết hoạch đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch ở người của tỉnh. Củng cố hệ thống giám sát và tăng cường công tác giám sát, nhằm phát hiện xử lý dịch sớm, không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do dịch bệnh, bổ sung nhân lực đội cấp cứu lưu động phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng đủ thuốc, hóa chất, vật tư để chủ động đối phó với dịch, nhất là khi có tình huống khẩn cấp, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để điều trị bệnh nhân nghi ngờ cúm A (H1N1), A (H5N1), A (H7N9)… Đồng thời tích cực, chủ động giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống, chủ động ứng phó với các loại bệnh truyền nhiễm gây dịch như: Sốt rét, thương hàn, lỵ, tiêu chảy, sốt phát ban, thủy đậu, viêm não Nhật Bản B…Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trên địa bàn, thường xuyên nắm bắt tình hình dịch cúm trên gia cầm, dịch dại, dịch lợn tai xanh và nhiệt thán trên động vật. Tăng cường công tác truyền thông dưới nhiều hình thức, giúp cho người dân hiểu và chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh.

 

Do điều kiện xa xôi, cách trở về địa lý, nên ngành Y tế Điện Biên được Bộ Y tế xây dựng là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện tuyến trung ương. Hiểu rõ tầm quan trọng của bệnh viện vệ tinh, ngành đã thường xuyên duy trì thực hiện hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh với Bệnh viện Việt Đức. Duy trì triển khai thực hiện tốt 12 gói kỹ thuật đã được chuyển giao và đề xuất các gói kỹ thuật mới với Bệnh viện Việt Đức Trung ương. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh với Bệnh viện Tim – Hà Nội và Bệnh viện K Trung ương.

 

Thực hiện Đề án củng cố tổ chức Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngành đã tham mưu xây dựng Kế hoạch biên chế công chức năm 2019 trong các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước trực thuộc. Kế hoạch số lượng người làm việc năm 2019 của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế. Thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với các cán bộ viên chức ngành Y tế.Trong năm 2018, ngành đã cử 892 lượt cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ cho 161 người, trong đó: Sau đại học là 86 (Bác sĩ CK2, CK1, ThS: 69, CKĐH sau ĐH: 17), Đại học: 60 người, Cao đẳng là 13 người (CĐ điều dưỡng, CĐ dược, CĐ KTY). Là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc, điều kiện rất khó khăn và thiếu thốn, trình độ nhận thức về chăm sóc sức khỏe và y tế còn rất hạn chế, nhiều năm qua, ngành Y tế Điện Biên đã được tỉnh giao thực hiện giúp đỡ 6 xã đặc biệt khó khăn, gồm: Chà Nưa, Pa Tần (huyện Nậm Pồ); Nà Sáy, Tênh Phông (huyện Tuần Giáo); Ma Thì Hồ, Sa Lông (huyện Mường Chà) theo QĐ 708/QĐ-UBND Tỉnh. Các đơn vị đã chủ động cử cán bộ y tế hàng tháng, hàng quý xuống các xã đặc biệt khó khăn, nắm bắt tình hình cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho cơ sở nên được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trong các xã ủng hộ và quý mến.

 

Năm 2018, trên địa bàn các xã tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định, kinh tế được cải thiện, tỷ lệ học sinh đến trường đảm bảo, không có dịch bệnh lớn xảy ra, các chỉ số sức khỏe cơ bản được cải thiện. Ngành đã tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người dân, chúc Tết, tặng chăn ấm, áo ấm cho học sinh nghèo, hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng (42 nghìn cây quế giống, 13 con bò, 8 con dê, 12 con lợn mẹ) với tổng trị giá: 553,687 triệu đồng từ nguồn đóng góp của CBCNV-LĐ ngành Y tế.

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn trở ngại, song được sự quan tâm thường xuyên của tỉnh Điện Biên, Bộ Y tế và các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh, ngành Y tế Điện Biên đã nỗ lực vượt khó, đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng, bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Hương Lan


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang