Thường lệ, cứ cách 4 năm lại có một năm "nhuận" - Leap year - với 366 ngày thay vì 365 như bình thường.
Sở dĩ có năm nhuận là vì chu kỳ quay quanh Mặt trời của Trái đất mỗi năm không chỉ tốn 365 ngày, mà là 365 ngày và 6 giờ, hay chính xác hơn là 5h 48 phút. Nếu không cộng thêm ngày thì sau 100 năm, lịch của chúng ta sẽ bị lệch so với thực tế tới 24 ngày. Và cái ngày được cộng thêm vào chính là ngày 29/2.
Chỉ riêng chuyện 4 năm mới có một lần đã đặc biệt, nhưng đằng sau ngày này còn một số sự thật khiến bạn phải ngỡ ngàng.
1. Ngày đặc quyền cầu hôn của phụ nữ
Hôn nhân là một chuyện hệ trọng, nhất là đối với người phụ nữ. Nếu xem ngày cưới là ngày các nam nhân đưa thêm một người về nhà, thì với phụ nữ, đó là ngày rời xa gia đình, và nếu không may về nhầm chỗ thì quả thực bi đát không kể đâu cho xiết.
Thế nhưng theo quan niệm phổ biến, việc hệ trọng này phải là do các đấng mày râu chủ động, còn phụ nữ sẽ buộc phải đợi, đợi cho đến khi chàng trai năm ấy có đủ dũng khí để mà ngỏ lời.
Mọi chuyện chỉ thay đổi vào thế kỷ thứ 5, khi Thánh St. Bridget than phiền với Thánh St. Patrick về việc phụ nữ tại Ireland phải chờ rất lâu mới được đàn ông trong vùng cầu hôn.
Sau cùng, Thánh Patrick đã đồng ý, chấp nhận cho phụ nữ được phép hỏi cưới bất kỳ người đàn ông nào họ thích vào ngày 29/2 mà không phải chịu bất kỳ rào cản và dị nghị nào.
2. Ngày "tốn tiền" của nam giới
Tất nhiên, khi một người cầu hôn thì người còn lại vẫn có quyền từ chối. Nhưng khi phụ nữ đã cầu hôn thì việc từ chối không còn đơn giản, mà họ phải trả một lễ vật gì đó để tạ lỗi.
Ở Anh, "lễ vật" là 1 bảng Anh (khoảng 34.000 đồng), hoặc tặng một tấm áo lụa để xoa dịu nỗi đau của người phụ nữ.
Ở Đan Mạch, người đàn ông khi từ chối lời tỏ tình phải tặng cho cô gái đó 12 đôi găng tay, còn ở Phần Lan người đàn ông phải tặng vải để phụ nữ may váy.
3. Những đứa trẻ "nhuận"
Đó là những đứa trẻ sinh ra vào ngày 4 năm mới có 1 này. Theo đúng lịch, những người này sẽ có ít ngày sinh nhật hơn người thường tới 4 lần, nhưng hầu hết đều chọn tổ chức sinh nhật vào ngày 28/2 hoặc 1/3.
4. Có một thành phố dành riêng cho "người nhuận" - leaper
Đó là hai thành phố cùng tên là Anthony - nhưng một tại Texas, một tại bang New Mexico (Mỹ). Người dân trong thành phố này tự nhận là "Thủ đô năm nhuận của thế giới", vì cứ mỗi 4 năm họ lại tổ chức một lễ hội hoành tráng để làm lễ sinh nhật cho tất cả những người sinh ra vào năm nhuận.
Và không chỉ có thành phố nhuận đâu. Trên thế giới có một câu lạc bộ dành riêng cho những người sinh vào năm nhuận, mang tên: "Honor Society of Leap Year Babies".
Điều kiện cần và đủ duy nhất để tham gia hội là sinh nhật của bạn rơi vào ngày nhuận mà thôi. Hiện câu lạc bộ có 10.000 thành viên trên toàn thế giới.
5. Nhưng cũng là ngày đen đủi trong một số nền văn hóa
Tại Scotland, người ta quan niệm rằng những người sinh ra vào ngày nhuận là điềm gở, giống như thứ 6 ngày 13 vậy.
"Thánh nhọ"...
Người Hy Lạp thậm chí còn cho rằng các cặp đôi cưới vào năm nhuận, và đặc biệt vào ngày nhuận đều sẽ có kết cục không tốt đẹp.
Nguồn: Cleveland/ Trí Thức Trẻ