Năm 2019 là năm thứ 12 sự kiện thường niên này được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng - Bộ Quốc phòng tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT.
Năm nay, Ngày An toàn thông tin được tổ chức vào ngày 29.11 tại Hà Nội, với chủ đề “Nâng tầm An toàn, An ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số”. Sự kiện gồm phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề “An toàn, an ninh mạng để phát triển Chính phủ số”, “Bảo vệ dữ liệu và phòng chống tấn công trên không mạng".
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử, giữa tháng 8.2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1017 phê duyệt “Đề án giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
Một mục tiêu của Đề án này là mở rộng phạm vi, nâng cao năng lực giám sát an toàn mạng, an toàn hệ thống thông tin cho Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia tại Bộ TT-TT và các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, phạm vi của Đề án cũng đề cập tới việc nâng cao năng lực giám sát cho nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng Internet (ISP) để tăng cường khả năng phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các sự kiện, sự cố, dấu hiệu, hành vi, mã độc xâm phạm, nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng có khả năng gây mất an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.
Theo motthegioi