Nghệ An có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp
Tham dự hội thảo có PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông thôn – Bộ NN&PTNT; Bộ KH&CN.
Về phía Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Thái Thanh Quý – Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở ngành, hiệp hội, các huyện thị.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Nghệ An hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp, với vốn sản xuất, kinh doanh đạt 50.000 tỷ đồng. Lao động trong công nghiệp trên địa bàn khoảng 137.900 người. Năm 2017 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 46.368 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia từ các bộ, ngành Trung ương sẽ làm rõ thực trạng của công nghiệp Nghệ An hiện nay, phân tích, nhận diện bối cảnh và điều kiện phát triển trong giai đoạn tới. Đồng thời, cung cấp thông tin và các luận cứ khoa học cũng như chia sẻ các kinh nghiệm quý báu giúp Nghệ An phát triển công nghiệp đã phê duyệt trong các mục tiêu Nghị quyết, các quy hoạch để xác định và lựa chọn đúng các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống chính sách và các giải pháp phát triển công nghiệp đồng bộ, nhất quán theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị. Từ đó, tạo môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh bình đẳng theo cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế; tổ chức chỉ đạo phát triển công nghiệp đạt hiệu quả cao.
Xây dựng doanh nghiệp công nghiệp trụ cột
PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu.
Phát biểu mang tính đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng thời gian qua, Nghệ An đạt nhiều chuyển biến trong sản xuất công nghiệp. Đã có một số sản phẩm chủ lực làm xoay chuyển cục diện, tạo diện mạo công nghiệp mới của tỉnh. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Công nghiệp đã khai thác được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để hình thành một số lĩnh vực trọng điểm như chế biến nông lâm sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp điện; khai khoáng…
Phân bố không gian công nghiệp tập trung phát triển ở 3 khu vực là Vinh – Cửa Lò gắn với khu kinh tế Đông Nam, khu vực Hoàng Mai và khu vực Phủ Quỳ. Đi liền với những chuyển dịch có ý nghĩa quan trọng đó, hạ tầng công nghiệp được quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, định hướng công nghiệp chiến lược ở Nghệ An chưa rõ.
Chuyên gia kinh tế chỉ ra 3 hạn chế lớn của tỉnh đó là chưa có công nghiệp công nghệ cao; Chưa có lực lượng chủ lực để phát triển công nghiệp và thu nhập của người lao động của Nghệ An quá thấp.
Hiện Nghệ An có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp, bình quân vốn dưới 10 tỷ đồng. Theo số liệu tổng hợp, bình quân thu nhập của công nhân năm 2011 là 2,6 triệu đồng/tháng; hiện nay đạt 3,4 triệu đồng/tháng. Tiền lương thấp phản ánh trình độ nền công nghiệp, không có tích lũy, do đó, tỉnh cần nhìn nhận lại trong chiến lược phát triển công nghiệp của mình
“Muốn thay đổi phải có khát vọng, có cách làm mới, tầm nhìn mới. Nếu vẫn khai thác thô tài nguyên, lao động thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ thì không thể phát triển được. Vì thế, tỉnh cần có giải pháp để xây dựng doanh nghiệp công nghiệp trụ cột“ - PGS.TS Trần Đình Thiên nêu vấn đề.
Coi trọng chất lượng tăng trưởng
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm công nghiệp địa phương.
Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến tâm huyết gợi ý cho Nghệ An định hướng phát triển công nghiệp, làm sao thu hút được nhiều nhà đầu tư. Nhiều tham luận xoay quanh các vấn đề chiến lược nhưng cũng rất thiết thực đối với tỉnh.
Đó là: định hướng và giải pháp phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2030; định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản; Cách tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với khu vực Bắc Trung bộ nói chung và Nghệ An nói riêng…
Trong đó, trao đổi về phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản do TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông thôn mang tính gợi ý rất thiết thực. Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, tỉnh cần quan tâm thị trường đầu ra cho nông sản, quan tâm không chỉ là sức mua mà còn cả rủi ro; quan tâm đúng mức vấn đề kho bãi, chế biến hậu thu hoạch bảo quản sản phẩm...
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định Nghệ An luôn xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực Bắc Trung bộ.
Tàu trọng tải lớn trên 70.000 tấn cập cầu cảng Vissai ở Nghi Thiết - Nghi Lộc (Nghệ An)
Để phát triển công nghiệp, tỉnh chú trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, từ đó có giải pháp phù hợp. Quan điểm chỉ đạo phát triển công nghiệp của tỉnh phải đảm bảo vừa khai thác tiềm năng thế mạnh để nâng cao sức cạnh tranh vừa đón đầu xu thế hội nhập, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với các vấn đề an sinh xã hội; coi trọng chất lượng tăng trưởng, tính hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững. Do vậy, việc lựa chọn hướng đầu tư phát triển công nghiệp Nghệ An phù hợp và đề ra được các giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hiện nay, Nghệ An xác định phát triển các khu công nghiệp, trong đó, KCN VSIP, Hermaraj, Hoàng Mai I được coi là những dự án có tính đột phá quan trọng, để từ đó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp mới. Về nguồn nhân lực không đáng lo ngại bởi trên địa bàn có hệ thống trường đào tạo nghề khá tốt, tay nghề khá, người Nghệ làm ăn xa có thể thu hút hồi hương.
“Tác động tích cực của công nghiệp với xã hội là nâng cao dân trí, thu nhập tăng cao nhưng cũng có những hạn chế tác động về môi trường, tập trung đông người nảy sinh vấn đề an ninh trật tự, phúc lợi xã hội…. chênh lệch ở các vùng miền là những vấn đề cần đặt ra cho bài toán phát triển công nghiệp” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Theo báo Nghệ An