Hàng hóa không nguồn gốc, xuất xứ
Thị sát các khu chợ vùng nông thôn miền núi tỉnh Nghệ An, nhóm phóng viên Báo Công Thương nhận thấy, phần lớn hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hoặc nếu có chỉ là tên nhái của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.
Lên chợ vùng cao, ghé các hàng giải khát mới thấy sự phong phú của các sản phẩm. Từ những lon nước ngọt với tên gọi na ná Pepsi, CocaCola không ghi địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, được bán với giá 3.000 - 4.000 đồng/lon, đến các loại bánh kẹo đủ các nhãn hiệu, thương hiệu, màu sắc bắt mắt nhưng giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 các sản phẩm cùng loại ở dưới xuôi.
Hiện nay, các mặt hàng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng) khá phổ biến ở các chợ vùng nông thôn, miền núi Nghệ An như bánh kẹo, nước mắm, đường, mỳ chính...
Chị Nguyễn Thị M - chủ quầy mỹ phẩm chợ thị xã Thái Hòa (chợ đầu mối cung ứng các loại hàng hóa cho một số huyện miền Tây Bắc xứ Nghệ) - đon đả: Ở đây, mỹ phẩm loại gì cũng có, từ “hàng hiệu” cho đến “bình dân”. Nói rồi chị tìm trong đống hàng và đưa ra rất nhiều tuýp son môi loại THEFACESHOP, net 1.3g0 06 FL OZ vỏ màu xanh biếc, phía sau nhãn mác toàn chữ Trung Quốc. “Loại này, nếu hàng Tàu, giá chỉ 40.000 đồng/tuýp, hàng Thái 60.000 đồng/tuýp…” - chị M chia sẻ. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy, các sản phẩm bao bì in ấn sắc nét, nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt thật - giả.
Chống hàng nhái, hàng giả rất khó khăn
Theo Phòng Công Thương huyện Thanh Chương: Từ đầu năm đến nay, huyện chỉ mới thành lập đoàn liên ngành gồm Phòng Công Thương, Y tế, kiểm tra an toàn thực phẩm 6 cơ sở trên địa bàn. Vấn đề chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái chưa thành lập đoàn kiểm tra do lực lượng mỏng.
Đội Quản lý thị trường số 8 Nghệ An cho biết: Vấn đề chống hàng nhái, hàng giả rất khó khăn bởi các gian thương sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Ví như các mặt hàng điện tử, điện lạnh rất khó kiểm tra bằng mắt thường, phải qua kiểm định của cơ quan chức năng mới có thể biết được thật hay giả. 10 tháng đầu năm đội đã xử lý vi phạm được trên 100 vụ, chủ yếu vi phạm về niêm yết giá, nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng nhái.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chi cục Trưởng Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An - chia sẻ: Số vụ vi phạm gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả so với cùng kỳ không tăng, tuy nhiên, có chiều hướng phức tạp hơn. Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả sử dụng nhiều phương thức như: Cất giấu hàng ở nhiều địa điểm khác nhau; móc nối với các hộ sản xuất để che giấu thông tin; chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển. Trong khi đội ngũ cán bộ kiểm tra mỏng; trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi này chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp trong công tác chống gian lận thương mại.
Việc tẩy chay hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc ở Nghệ An khá nan giải, bởi nhận thức của người dân miền núi hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, nhà nước cần có chế tài xử lý thật nghiêm minh những vi phạm về hàng giả, hàng nhái.
Nếu trước đây, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chỉ xuất hiện khi hàng thật khan hiếm, thì nay, hàng thật và hàng nhái tồn tại song hành, cạnh tranh với hàng thật bằng ưu thế giá rẻ và nhanh chóng thâm nhập vào thị trường, nhất là những vùng nông thôn ở Nghệ An. |
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử