Doanh nghiệp lớn
Từ năm 1960 đến 1971, tỉnh Nghệ An đưa vào hoạt động hai nhà máy đường sản xuất thủ công có công suất nhỏ là Sông Lam ở huyện Hưng Nguyên và Sông Con ở huyện Tân Kỳ. Đến năm 1996, Nghệ An mới nổi bật trên bản đồ mía đường Việt Nam khi Tập đoàn mía đường Tate & Lyle (Vương quốc Anh) liên doanh với tỉnh Nghệ An đầu tư nhà máy đường công suất 6.000 tấn mía/ngày ở huyện Quỳ Hợp với số vốn 90 triệu USD. Không lâu sau, nhà máy nâng công suất lên 9.000 tấn mía/ngày với sản lượng hơn một triệu tấn mía/vụ. Trong giai đoạn nước ta triển khai đề án sản xuất một triệu tấn đường/năm thì riêng nhà máy này chiếm sản lượng khoảng 10%. Năm 2011, Tập đoàn Tate & Lyle chuyển nhượng cổ phẩn cho Công ty CP Thực phẩm Sữa TH và đổi thành Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU). Đây được coi là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành mía đường ở cả công suất và công nghệ hiện đại.
Vùng nguyên liệu của NASU được đầu tư bài bản, tập trung chủ yếu ở vùng đất đỏ ba-dan - Phủ Quỳ. Mỗi năm, các hộ dân tham gia trồng nguyên liệu được NASU cho vay và hỗ trợ gần 100 tỷ đồng để khai hoang, làm đất bằng cơ giới, cung cấp vật tư phân bón, giống, khuyến nông... Khâu thu mua nguyên liệu mía được hỗ trợ tối đa từ công nghệ thông tin, quản lý diện tích, loại mía, thời gian thu hoạch dự tính đến kiểm soát độ đường. Nhờ đó, lịch thu hoạch, vận chuyển phù hợp với kế hoạch sản xuất của nhà máy và bảo đảm độ chính xác về chất lượng mía cho người dân. Đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Nghệ An đã đầu tư làm hàng trăm km đường giao thông để vận chuyển nguyên liệu. Chỉ tính riêng tuyến đường tỉnh lộ 598 mà Nghệ An đầu tư cho NASU vận chuyển nguyên liệu mía dài 100 km. Đường mở ra đến đâu, mía xanh được trồng bạt ngàn đến đó. Sau khi tuyến đường vận chuyển nguyên liệu 531D dài hơn 20 km qua dốc Dài vào vùng sâu, khó khăn nơi có đông đồng bào dân tộc Thổ vùng Hạ Sơn, Vân Lợi (huyện Quỳ Hợp) hoàn thành, người dân còn được cán bộ khuyến nông của NASU cầm tay chỉ việc trồng mía. Không lâu sau đó, dọc hai bên tuyến đường này đã mở rộng hàng nghìn ha mía. Theo anh Nguyễn Văn Hiếu ở Đội 2 (Công ty nông nghiệp Xuân Thành) cho biết: Nhờ có thu nhập từ mía, bà con mới có điều kiện sửa chữa, xây mới nhà cửa, mua sắm được các tiện nghi hiện đại phục vụ đời sống... Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn Lê Văn Thanh tiếp lời: Một xã có đến 90% số dân là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ đói nghèo khá cao. Nhờ trồng 1.000 ha mía, mỗi năm người dân thu về hàng chục tỷ đồng. Hạ Sơn đã thay đổi, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, nhà ngói đỏ mọc lên san sát cùng các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Hiện, toàn xã đã có hơn 10 xe ô-tô và 20 máy cày các loại... Đáng chú ý là, ý thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ của người dân đã thay đổi hẳn.
Sau NASU, các nhà máy Đường Sông Con và Đường Sông Lam liên tục đầu tư mới trang thiết bị, phát triển vùng nguyên liệu để tăng công suất, nâng tổng công suất ba nhà máy đường lên 13.300 tấn mía/ngày. Hằng năm, mía đường Nghệ An sản xuất khoảng 8 đến 10% lượng đường trong tổng số sản xuất của cả nước. Chưa dừng lại ở đó, các nhà máy đang có kế hoạch nâng tổng công suất lên khoảng 20.000 tấn mía/ngày. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường: Mía là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, những năm qua, cây mía đã đưa lại những tác động rất tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây Nghệ An. Tuy tổng thu nhập/ha từ sản xuất mía không cao so với một số cây trồng khác, bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha nhưng với quy mô diện tích trồng lớn, tiêu thụ ổn định cho nên đã đưa lại tổng doanh thu cho người trồng mía ở vùng miền Tây Nghệ An khá lớn. Chẳng hạn niên vụ 2015-2016, toàn tỉnh trồng hơn 26,5 nghìn ha, đạt sản lượng hơn 1,5 triệu tấn mía, với giá thu mua bình quân 870 nghìn đồng/tấn thì tổng số tiền người dân trồng mía thu được hơn 1.337 tỷ đồng. Đây là niên vụ diện tích chỉ đạt 85% so với quy hoạch và giá mía nguyên liệu thấp. Các địa phương vùng trồng mía còn phát triển dịch vụ như: Vận tải mía, vật tư phân bón,... Nhờ trồng mía, nhiều người dân các huyện miền núi: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ... có cơ hội thoát nghèo vươn lên làm giàu. Các vùng nông thôn, miền núi - nơi có người dân tham gia vào quá trình sản xuất mía đường đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới cho miền Tây Nghệ An.
Vùng nguyên liệu nhỏ
Nhằm tạo điều kiện cho ngành mía đường sản xuất ổn định, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía đứng với gần 31 nghìn ha, chủ yếu ở các huyện miền núi phía tây. Trong đó NASU hơn 18.500 ha, Đường Sông Con 10.000 ha... Mỗi năm, các vùng nguyên liệu phải trồng khoảng hai triệu tấn mía để cung cấp cho NASU ít nhất 1.170 nghìn tấn, Đường Sông Con 650 nghìn tấn và Đường Sông Lam 130 nghìn tấn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây các nhà máy đường luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu bởi sự cạnh tranh quyết liệt của các cây trồng khác. Riêng vụ ép 2016-2017, các nhà máy này thiếu khoảng 30 đến 50% nguyên liệu. Phó Giám đốc, phụ trách nguyên liệu nhà máy Đường Sông Lam Phan Văn Hòa cho biết: “Đã gần 10 năm tăng công suất lên 1.000 tấn mía/ngày nhưng nhà máy luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu, có năm chỉ đáp ứng được hơn nửa nhu cầu”. Không khá hơn Đường Sông Lam, năm nay vùng nguyên liệu Đường Sông Con chỉ đạt 70% quy hoạch. Đáng chú ý, vùng nguyên liệu của NASU sụt giảm nhiều nhất. Từ vụ ép 2013-2014 đến nay, vùng nguyên liệu liên tục sụt giảm từ hơn 20 nghìn ha xuống còn 13 nghìn ha, kéo theo đó lượng mía nhập về nhà máy sụt giảm từ hơn một triệu tấn xuống còn khoảng 550 nghìn tấn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân do hiệu quả của cây mía thời gian qua thấp hơn một số loại cây trồng khác (cam, quýt...) trên cùng một vùng đất. Cây dài ngày và cả cây làm thức ăn cho gia súc cũng cho hiệu quả cao hơn trồng mía. Đơn cử một héc-ta trồng cam cho thu nhập gấp từ 10 đến 15 lần trồng mía. Trong lúc giá thành sản xuất mía khá cao thì năng suất và giá thu mua lại thấp. Đơn cử giá thu mua vụ ép 2015-2016 có thời điểm chỉ đạt 850 nghìn đồng/tấn. Năng suất mía thấp còn do thời tiết những năm qua ở Nghệ An rất khắc nghiệt, hạn hán nặng; vùng nguyên liệu mía chủ yếu ở đất đồi dốc; lại bị dịch chồi cỏ kéo dài cùng với đó các tiến bộ kỹ thuật, nhất là khâu giống chưa được quan tâm nhiều... Người trồng vẫn còn tư tưởng "bóc lột" đất, nên đầu tư thâm canh còn thấp. Diện tích trồng mía lại manh mún, bình quân khoảng 0,4 đến 0,5 ha/thửa nên việc đưa cơ giới vào làm đất, trồng, thu hoạch và tưới cho mía còn hạn chế. Năng suất mía của Nghệ An mới đạt gần 58 tấn/ha, trong khi vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Lam Sơn (Thanh Hóa) khoảng 70 tấn/ha. Do hiệu quả không cao dẫn đến tình trạng vùng nguyên liệu bị co lại và các nhà máy đường “đói” nguyên liệu là điều đương nhiên. Khi “đói” nguyên liệu lại xảy ra việc tranh mua nguyên liệu làm giảm sút niềm tin của nhà máy đối với việc cho nông dân ứng trước vốn và vật tư đầu tư cho cây mía. Hai năm gần đây, hơn 200 nghìn tấn mía mà nông dân nhận đầu tư và ký hợp đồng tiêu thụ với NASU đã bị các nhà máy đường khác tranh mua. Bên cạnh đó, Nhà máy Đường Sông Con và Đường Sông Lam đều có công suất nhỏ so với khu vực, thiết bị nâng cấp chắp vá, không đồng bộ. Lại càng khó hơn khi phải cạnh tranh với đường của Thái-lan khi đến năm 2018, thuế nhập khẩu đường từ ASEAN giảm.
Giải pháp để phát triển
Điều kiện sống còn đối với các nhà máy đường là bảo đảm phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định và đầu tư thâm canh đẩy năng suất càng cao càng tốt. Muốn vậy, trước tiên, tỉnh Nghệ An sớm chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý quy hoạch và bổ sung quy hoạch để bảo đảm diện tích trồng nguyên liệu cần thiết cho các nhà máy đường hoạt động hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát việc trồng cây nguyên liệu đúng quy hoạch và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Vì diện tích trồng mía ở vùng đất đỏ ba-dan Phủ Quỳ màu mỡ bị suy giảm cho nên vùng nguyên liệu mía phải dịch chuyển đến nơi khác. Chính vì thế, việc tiếp theo các nhà máy đường cần tập trung nâng năng suất mía bằng cách đầu tư đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ đưa giống mới, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, đến đầu tư thâm canh cao trên những diện tích thuận lợi và đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch. Muốn vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp mía đường phải vào cuộc mạnh mẽ, nhất là đầu tư vùng sản xuất giống mía với các bộ giống cho năng suất cao, kháng sâu bệnh và sớm loại trừ bệnh chồi cỏ ở các vùng nguyên liệu. Nếu chưa sản xuất được giống theo nuôi cấy mô như Nhà máy đường Lam Sơn (Thanh Hóa) thì các nhà máy cũng phải có vùng sản xuất giống riêng, phấn đấu trong thời gian ngắn không còn phải dùng mía nguyên liệu để làm giống như hiện nay. Nhập khẩu và chuyển giao một số giống có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh vào sản xuất như: LK92.11, KK3, QĐ 93-159... Tiếp tục hỗ trợ người trồng mía đầu tư nhân rộng diện tích giống mới theo hướng công nghệ cao, thâm canh tổng hợp... Các nhà máy đường cần nâng cấp đồng bộ thiết bị hiện đại; đầu tư sản xuất các sản phẩm sau đường để nâng cao hiệu quả kinh doanh nhằm tăng giá thu mua mía cao hơn, giúp người trồng mía tăng thu nhập. NASU đang triển khai đề án tận dụng việc sinh nhiệt trong quá trình sản xuất để xây dựng nhà máy nhiệt điện 10 MW. Dự án này thai nghén đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Các địa phương cần sớm triển khai công tác dồn điền đổi thửa sang ô thửa lớn để có thể đưa cơ giới hóa vào tất cả các khâu: làm đất, trồng, thu hoạch mía. Người dân cần tiếp tục đầu tư thâm canh mía một cách thỏa đáng, tránh tư tưởng bóc lột đất. Khuyến khích người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc mía. Cần có hành lang pháp lý cùng chế tài đủ mạnh trong việc xử lý vi phạm hợp đồng tiêu thụ mía, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, hợp tác, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm mía nguyên liệu cho nông dân. “Sắp tới, UBND tỉnh sẽ đưa ra một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp để đưa nhanh giống mới và cơ giới hóa vào sản xuất mía” - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết thêm.
Nguồn Báo Nhân dân