Nhắc tới Võ Phi Sơn, hay còn gọi với cái tên thân quen – nghệ nhân Ba Hùng, hẳn nhiều người khắp ba miền biết tới. Ông nổi tiếng với những cây kiểng được tạo dáng theo nhiều kiểu độc đáo khác nhau. Những cây kiểng của ông đều có những thần thái riêng, có hồn, có sự sống mãnh liệt. Tất cả đều tương tác, gần gũi với cuộc sống, với vạn vật và như ông nói, tác phẩm của ông phù hợp với phong thủy, phù hợp với âm dương ngũ hành, là nơi hội tụ “Thiên – Địa – Nhân”. Có lẽ vì thế mà các tác phẩm nghệ thuật của ông có một điểm chung là giá trị vô cùng lớn.
Vườn kiểng của nghệ nhân Ba Hùng hiện nay có diện tích hơn 3.000m2 với hơn 1.000 cây kiểng cổ thụ lớn nhỏ gồm gốc khế, duối, vạn niên, cà na, nguyệt quế, tùng, mai vàng… Trong số 1.000 cây này thì có 100 cây giá trị lớn nhất. Đây là những cây được chủ nhân của khu vườn sưu tầm từ nhiều tỉnh thành trong nước và Campuchia với tuổi đời trên trăm năm tuổi. Trải qua nhiều năm chăm sóc, uốn nắn, tạo dáng, đến nay cây kiểng của ông, mỗi cây đều có hồn riêng, dáng thế “độc nhất vô nhị”. Giá bán trung bình trong vườn kiểng của nghệ nhân khoảng 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong vườn kiểng của ông có 2 cây khế với tuổi đời 300 năm mà nghệ nhân Ba Hùng cực kỳ tâm đắc. Hai cây khế này mang thế “trực quân từ” với đầy đủ ba yếu tố quan trọng trong trời đất là Thiên – Địa – Nhân. Đồng thời cũng tượng trưng cho tính tình ngay thẳng, thanh cao, biết đối nhân xử thế. Ông đã mất hơn 20 năm uốn nắn, tạo dáng để cây được như vậy và có nhiều khách trả giá tới 5 tỷ nhưng ông không đồng ý bán.
Hai cây khế “khủng” với tuổi đời trên 300 năm, một trong những tác phẩm nghệ nhân Ba Hùng cực kỳ tâm đắc.
Hiện nay, nghệ nhân Ba Hùng đang muốn bán lại khu vườn cây kiểng nếu được giá. Ông cho biết “vườn kiểng này với tôi là vô giá nên rất khó khăn khi phải quyết định một mức giá để bán”. Để có một mức giá hợp lý cần có sự tham gia của Hội đồng định vgiá, hội đồng kỹ thuật, hội nghệ nhân và hội sinh vật cảnh. Nhưng dù như thế nào chăng nữa, chắc chắn rằng vườn kiểng của ông có giá trị lên tới vài trăm tỷ đồng. Ông cũng chia sẻ thêm, nếu bán được vườn kiểng này ông sẽ dành nửa số tiền quyên góp cho một tổ chức xã hội phục vụ công tác từ thiện, công tác vì người nghèo.
Nghệ nhân Ba Hùng cho biết, ông có niềm đam mê cây kiểng từ nhỏ. Để có một cơ ngơi như ngày hôm nay đều nhờ vào sự nỗ lực, sự cống hiến không biết mệt mỏi, niềm đam mê cháy bỏng từ chính con người ông. Đồng thời, ông cũng có một may mắn mà không phải ai cũng có được khi người thầy đầu tiên của ông là ông giáo Kỳ - một người nổi tiếng về bonsai nghệ thuật bậc nhất thời bấy giờ. Ông say sưa, mải miết nhìn người thầy của mình tạo dáng cho cây mà không kể thời gian, nhiều khi nửa ngày trôi qua mà ông không hề hay biết. Vậy mới nói, cả về sau này ông đã cống hiến gần hết đời mình chỉ vì niềm đam mê ấy. Để giờ đây, khi tuổi đã xế chiều ông cũng muốn được như bao người là về quê hương – nơi miền Tây quê cha đất mẹ để an dưỡng tuổi già.
Nghệ nhân Ba Hùng - Sự thoáng đạt, mềm mại, tràn đầy sức sống của ông cũng tựa như các tác phẩm của ông vậy.
Phải nói rằng, nhìn vườn kiểng của ông chúng tôi thấy cái tâm, cái tầm của ông lớn đến nhường nào. Mỗi tác phẩm của ông đều có những dáng vẻ của riêng mình nhưng điều đặc biệt là những tác phẩm ấy đều toát lên sự thoáng đạt, mềm mại, tràn đầy sức sống nhưng cũng đầy cổ kính, sang trọng. Tất cả điều đó cũng giống như chính con người ông vậy.
Cảm phục tài năng và đức độ của một con người như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng gặp được ông là một cơ duyên và cũng nhiều may mắn. Thầm chúc ông luôn dồi dào sức khỏe, luôn cháy bỏng niềm đam mê và khát khao với những tác phẩm nghệ thuật. Tin tưởng rằng những tác phẩm của ông sẽ là tài sản giá trị cho nhiều đời sau và hình tượng của ông sẽ là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ đam mê kiểng cổ thụ và đại thụ noi theo./
PV