Giá trị điểm đến và tác động của nghệ thuật công cộng
Nghệ thuật công cộng từ lâu đã được các quốc gia coi trọng, có vai trò như “bộ mặt” thẩm mỹ của đô thị và quốc gia. Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật công cộng đều mang tính biểu trưng, thể hiện tư tưởng, triết lý văn hóa, nhân sinh hoặc tái hiện dấu ấn lịch sử dân tộc. Nghệ thuật công cộng được hiểu là các tác phẩm nghệ thuật được đặt trong không gian công cộng nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, vui chơi giải trí và có chức năng giáo dục thẩm mỹ với cộng đồng cư dân. Nghệ thuật công cộng được thể hiện qua nhiều hình thức như đài tưởng niệm, tranh tường, tác phẩm điêu khắc, kiến trúc cảnh quan, nghệ thuật đa phương tiện, tại các không gian chủ yếu như quảng trường, công viên, nhà hát, bảo tàng, đường phố...
Các tác phẩm nghệ thuật công cộng không chỉ truyền tải thông điệp văn hóa - lịch sử, tư duy nghệ thuật mà còn góp phần thu hút khách du lịch đến thưởng lãm, tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm... Tại Việt Nam có không ít không gian, tác phẩm nghệ thuật công cộng gắn với du lịch và thu hút khách như Cầu Vàng (Đà Nẵng), Làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam), Vườn tượng điêu khắc tại Công viên Tao Đàn (thành phố Hồ Chí Minh), nhóm tượng điêu khắc và cây nêu tại làng Cù Lần (Đà Lạt, Lâm Đồng)... Ở Hà Nội cũng có không ít tác phẩm nghệ thuật đặt trong các không gian công cộng như Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã được ghi danh kỷ lục Guinness là “bức tranh gốm sứ dài nhất thế giới” (3,85km), bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 đặt tại cửa chợ Đồng Xuân, tượng đài Lý Thái Tổ, Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố bích họa Phùng Hưng, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, Không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải... Đây đều là những điểm đến thu hút đông đảo du khách với nhiều hoạt động, dịch vụ đi kèm, qua đó góp phần phát triển kinh tế du lịch tại điểm đến và khu vực lân cận.
Có thể thấy, nhờ có các dự án, tác phẩm, không gian nghệ thuật công cộng, nhiều địa điểm đã có sự “lột xác” ngoạn mục. Từ những nơi tưởng chừng như bị “lãng quên” hay từng là khu vực không bảo đảm vệ sinh môi trường như khu vực bờ vở sông Hồng ở phường Phúc Tân, Phố bích họa Phùng Hưng, tuyến đê dọc sông Hồng (Hà Nội) hay làng Tam Thanh (Quảng Nam), làng Cù Lần (Lâm Đồng) vốn hẻo lánh, ít người biết tới, nay đều có tên trên bản đồ du lịch hoặc là những điểm “phải đến” theo đánh giá của du khách.
Ở một khía cạnh khác, điều đó cũng cho thấy, nghệ thuật công cộng ngày càng được xã hội, chính quyền địa phương, người dân và du khách quan tâm và muốn tiếp cận. Không những thế, các không gian nghệ thuật công cộng này còn đóng vai trò kết nối cộng đồng, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật của người dân như các lễ hội, festival, hòa nhạc tại Tượng đài Lý Thái Tổ hay nhiều hoạt động góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (xẩm, ca trù, chèo...) tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ngoài ra, các hoạt động này còn góp phần tăng sức hấp dẫn, gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời còn là cách quảng bá văn hóa hữu hiệu tới du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Đánh giá cao vai trò bổ trợ lẫn nhau của nghệ thuật công cộng và điểm đến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai, giảng viên chính Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Điểm đến luôn có vai trò là nguồn tài nguyên, quyết định khả năng thu hút khách. Việc chú trọng đầu tư, xây dựng điểm đến bằng nghệ thuật công cộng là một trong những biện pháp để tạo nên giá trị điểm đến”.
Du khách vui chơi bên các tác phẩm điêu khắc ngoài trời trong Dự án nghệ thuật “Art in the forest” tại khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải.
Vì sao chưa “cất cánh”?
Mặc dù vài năm trở lại đây, nghệ thuật công cộng ở nước ta phát triển khá rộng rãi và nhanh chóng, tuy nhiên, như thế vẫn là chậm so với nhiều quốc gia khác. Nhìn chung, các không gian công cộng vẫn còn chật chội, thiếu sức hấp dẫn; thiếu các dự án, chương trình nghệ thuật mang tính tổng thể. Các tác phẩm, dự án nghệ thuật tại các không gian công cộng cần được đầu tư bài bản, bởi nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, đa phần các tác phẩm sắp đặt, hệ thống tượng đài, tượng điêu khắc được người dân và du khách yêu thích đều là những tác phẩm chất lượng, đạt tới trình độ cao về kỹ - mỹ thuật, thể hiện chiều sâu tư duy và mang tính thời đại, vì thế có thể tồn tại từ hàng chục đến hàng trăm năm. Trong khi đó, tại Việt Nam, do nhiều yếu tố từ cả phía nghệ sĩ sáng tạo lẫn trình độ thưởng thức cũng như ý thức bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật công cộng của cộng đồng chưa cao nên tuổi thọ của các tác phẩm khá ngắn.
Giới mỹ thuật đã không ít lần cảm thấy chạnh lòng khi cộng đồng, người dân chưa nhìn nhận đúng về giá trị của các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Còn nhớ, năm 2004, Hà Nội từng triển khai dự án vườn tượng xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Với 47 tác phẩm điêu khắc của 38 tác giả, lần đầu tiên người Hà Nội và du khách có cơ hội chiêm ngưỡng nghệ thuật tại một trong những địa điểm đẹp nhất Thủ đô. Tuy nhiên, các tác phẩm này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do các tác phẩm này vẫn nặng về tính khán phòng, khó thích nghi với không gian tự nhiên nên không thu hút được công chúng. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao khiến cho các tác phẩm nhanh chóng xuống cấp và biến mất trong lặng lẽ.
Lý giải về việc không gian công cộng thiếu sức hấp dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung, Phó Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Nghệ thuật công cộng ngoài trời ở Hà Nội vẫn dừng lại ở chất liệu từ thế kỷ trước. Tượng đài chủ yếu làm bằng bê tông, ít tính thẩm mỹ, các điêu khắc và tranh hoành tráng vẫn là sản phẩm thủ công phóng to. Hình khối, không gian của nghệ thuật công cộng còn ít tính sáng tạo và thiếu sự gợi ý, gợi cảm...”.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung, nghệ thuật công cộng ở Hà Nội ít có sự tham gia kiến tạo điểm đến du lịch bởi loại hình này mới chỉ đáp ứng được yêu cầu “phải có” tối thiểu của một không gian công cộng trong đô thị chứ chưa vượt qua được sự thay đổi về chất, mang lại giá trị “đột biến triệu đô” trong kinh tế như ở các nước phương tây. Hơn nữa, trong lịch trình tham quan của các công ty lữ hành hầu như vắng bóng điểm đến là các khu trưng bày nghệ thuật công cộng. Hà Nội cũng chưa có nhiều công trình có giá trị nghệ thuật do thiếu sự đầu tư bài bản, thiếu chiến lược và nguồn lực. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa cơ quan quản lý nghệ thuật công cộng với các công ty du lịch và du khách còn yếu; các doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng tour, tuyến, sản phẩm có các điểm đến là không gian nghệ thuật công cộng. Những hạn chế, nguyên nhân này là những trở ngại khiến cho nghệ thuật công cộng và du lịch thiếu một “bệ phóng” để “cất cánh”.
Tựu trung lại, để nghệ thuật công cộng có thể kiến tạo giá trị cho điểm đến, qua đó thu hút du khách và khai thác tiềm năng, phát triển du lịch tại các địa phương, theo nhiều chuyên gia, trước tiên cần nâng tầm các tác phẩm, dự án nghệ thuật công cộng với chất lượng, tính thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cao, đồng thời phải có quy hoạch tổng thể đối với công trình nghệ thuật công cộng, tránh tình trạng phát triển manh mún, tràn lan. Song song với đó, để gắn kết du lịch với nghệ thuật công cộng, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường mối liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để quản lý, xây dựng chương trình tour tuyến gắn với công trình nghệ thuật công cộng, qua đó không chỉ nâng cao giá trị nghệ thuật và kinh tế cho các dự án du lịch mà còn đóng vai trò đại diện, lan tỏa hình ảnh của địa phương, từ đó phát triển thương hiệu du lịch cho địa phương. Khi các bên liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nghệ sĩ, người dân) cùng “bắt tay” và đồng hành, chắc chắn nghệ thuật công cộng sẽ phát huy được vai trò của mình trong việc kiến tạo và nâng tầm điểm đến để du lịch “cất cánh” bay xa.
Theo Hà Nội mới