Nỗ lực xây dựng sản phẩm mới
Là loại hình nghệ thuật chỉ có duy nhất ở Việt Nam, múa rối nước được coi là “mỏ vàng” để phát triển du lịch Thủ đô. Điển hình có Nhà hát Múa rối Thăng Long mỗi ngày diễn 6-8 suất, luôn “cháy” vé. Trung bình đơn vị này đón khoảng 730.000 lượt khách mỗi năm (không tính thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng). Song, để thu hút thêm nhiều đối tượng, nhất là khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến Hà Nội lần thứ 2, lần thứ 3…, các đơn vị nghệ thuật đang nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm mới.
Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa ra mắt chương trình “Âm vang đồng quê” với mong muốn đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Chương trình là sự kết hợp giữa múa rối nước truyền thống và rối cạn, đan xen hài hòa âm nhạc, múa, hát. Các buổi diễn của “Âm vang đồng quê” cũng thu hút đông đảo khán giả, nhiều buổi, nhà hát phải kê thêm ghế phụ ở lối đi. Cùng với việc nối lại hoạt động biểu diễn nghệ thuật tuồng tại khu vực phố cổ Hà Nội vào dịp cuối tuần, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn tổ chức các chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khách du lịch” tại Rạp Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm).
Với nghệ thuật chèo, theo Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cách đây 3 năm, đơn vị đã triển khai đề án đưa chương trình biểu diễn nghệ thuật chèo vào các tour du lịch. Nhà hát đã xây dựng các chương trình có thời lượng 20 phút, 30 phút, 50 phút… phù hợp với từng đối tượng du khách, đầu tư sửa chữa, nâng cấp Rạp Kim Mã (quận Ba Đình), đồng thời kết nối với các đơn vị du lịch để tổ chức tour đưa du khách quốc tế đến nhà hát. Thế nhưng, trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đề án phải tạm dừng. Hiện tại, Nhà hát Chèo Việt Nam đang khởi động, kết nối lại…
Nhà hát Cải lương Việt Nam chọn kết hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện những vở cải lương - xiếc học theo mô hình nổi tiếng của Nhà hát Cirque du Soleil (Canada), cũng nhằm đem lại trải nghiệm mới cho khán giả và du khách trong nước khi đến Hà Nội…
Một cảnh trong chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khách du lịch” của Nhà hát Tuồng Việt Nam
Hướng tới sự chuyên nghiệp
Trong hành trình khám phá Hà Nội, khách du lịch luôn háo hức trải nghiệm nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác nghệ thuật truyền thống cho hoạt động du lịch của Hà Nội vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ, nguyên nhân là do chưa có cơ chế, chính sách tạo động lực cho các đơn vị hoạt động du lịch đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch từ nghệ thuật truyền thống. Phần lớn các đơn vị lữ hành chỉ chọn những chương trình có sẵn để du khách tham gia trải nghiệm, ít mạo hiểm đầu tư hoặc chọn những chương trình mới cho các tour. Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, công tác quảng bá, tiếp thị về các loại hình nghệ thuật truyền thống chưa chuyên nghiệp, nên khó tiếp cận được khách du lịch.
Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, khi nhà hát ra mắt chương trình “Âm vang đồng quê”, đơn vị đã phối hợp với Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội nghị khách hàng với các doanh nghiệp lữ hành để góp ý cho chương trình. Đại diện các đơn vị lữ hành đều cho rằng chương trình hay, chắc chắn hấp dẫn khách du lịch. Song, khi xây dựng tour, bên cạnh xem biểu diễn, họ còn yêu cầu thêm về không gian, quang cảnh, có các dịch vụ khác, như: Ẩm thực, mua sắm, vui chơi... Song, những điều này vượt quá khả năng đáp ứng của nhà hát nên chương trình chưa thực sự hút khách.
Về vấn đề này, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đề xuất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoặc thành phố Hà Nội nên xây dựng một tổ hợp biểu diễn nghệ thuật truyền thống và dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí, ăn uống tại một địa điểm, trong đó mỗi loại hình nghệ thuật có một sản phẩm độc lập phục vụ du khách.
Ở góc độ quản lý du lịch, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Diễm Hảo cho rằng, nghệ thuật truyền thống có tiềm năng thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô, nhưng việc khai thác còn hạn chế, bởi thời gian tổ chức biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật chưa linh hoạt, chưa phù hợp với lịch trình của khách du lịch. Hơn nữa, hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật chưa được đầu tư đúng mức. Đội ngũ nhân viên cũng chưa có kỹ năng phục vụ khách du lịch...
Do đó, để sự “bắt tay” giữa nghệ thuật truyền thống và du lịch Thủ đô có sự bứt phá, các đơn vị nghệ thuật truyền thống phải nghiên cứu về nhu cầu của từng đối tượng du khách để thiết kế, xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp; nâng cao khả năng đáp ứng các buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng hình ảnh hấp dẫn về nghệ thuật truyền thống và chương trình biểu diễn; đào tạo, bồi dưỡng cho nghệ sĩ, người lao động kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch; liên kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành để điều chỉnh, hoàn thiện dịch vụ, tạo nguồn khách ổn định…
Theo Hà Nội mới