Dịp nghỉ lễ 2/9 ngày càng đến gần, đi du lịch vào thời điểm này là một lựa chọn thú vị bởi bạn có thể tranh thủ thời gian nghỉ lễ để tới thăm địa điểm bạn yêu thích. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui tận hưởng còn có vô vàn những thứ khiến bạn “lăn tăn” khi đi du lịch vào dịp nghỉ lễ, nhất là vấn đề “chặt chém” ở các khu du lịch. Nhưng hãy yên tâm, vì chỉ cần bạn ghi nhớ một chút thông tin này thì đó chỉ còn là “chuyện nhỏ”.
Tham khảo trước thông tin
Trước khi chuyến đi diễn ra, hãy tranh thủ thời gian để tìm hiểu thông tin về nơi bạn sắp đến, nhất là các địa điểm ăn uống, lưu trú. Với nguồn thông tin hữu ích từ các trang du lịch uy tín hay từ những travel blogger đã có trải nghiệm thực tế trước đó, cơ bản bạn sẽ lọc ra được những nơi cần và không nên đến.
Hỏi thông tin từ người dân địa phương
Nếu bạn đi du lịch theo tour thì cơ bản mọi thứ đã được chuẩn bị hết, bạn chỉ cần đi theo lịch trình có sẵn và tận hưởng chuyến đi.
Nhưng nếu chuyến du lịch của bạn là tự túc thì bạn cần “khôn ngoan” hơn trong việc lựa chọn địa điểm và tránh để mình giống khách du lịch nhất có thể. Hãy mặc trang phục như người bản địa và đừng quá phô trương bản thân bằng trang sức hay quần áo đắt tiền. Bởi lúc đó bạn dễ thành “con mồi” cho những kẻ chặt chém.
Đơn giản nhất là bạn hãy hỏi thông tin từ người dân địa phương. Ở đâu rẻ, ăn chỗ nào ngon thì người sống ở đó sẽ là người rõ hơn cả. Cơ bản bạn sẽ được giúp đỡ nhiệt tình với sự thân thiện của những người bản địa.
Hỏi giá và trả giá
Việc bạn hỏi giá và trả giá chẳng làm bạn thiệt gì, thậm chí còn mang lại lợi ích cho bạn. Khi hỏi giá bạn sẽ biết chắc chắn món đồ/món ăn đó giá bao nhiêu và tự lượng xem mình có khả năng mua hay không. Bên cạnh đó, khéo léo trả giá có khi bạn còn mua được hàng với giá rẻ hơn. Do đó khi đi du lịch, hãy nhớ tới kỹ năng này để tránh thiệt thòi cho bản thân.
Nhớ hỏi giá và trả giá để tránh bị "chặt chém"
Còn nếu không muốn hỏi nhiều hay đôi co với người bán, tốt nhất bạn hãy đến những hàng quán có niêm yết giá rõ ràng để có những lựa chọn phù hợp cho mình, tránh bị “chặt chém”. Bên cạnh đó, hãy nhớ xem kỹ hóa đơn khi thanh toán và kiểm tra lại những đồ bạn mua hay những món bạn ăn để tránh bị trả tiền “hớ” cho những thứ bạn không mua/ không sử dụng.
Thuộc số điện thoại đường dây nóng
Phần lớn du khách khi bị chặt chém thường “ngậm bồ hòn làm ngọt”, hoặc chỉ chia sẻ bức tức trên trang cá nhân của mình.
Lưu lại số đường dây nóng để gọi khi cần hỗ trợ
Tuy nhiên thực tế là bạn có thể nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời từ các cơ quan ban ngành có liên quan ở địa phương bạn tới du lịch. Do đó, trước khi đi nhớ “dắt túi” vài số điện thoại đường dây nóng giải quyết các vấn đề về du lịch để phòng thân. Nếu bị “chặt chém” hay gặp khó khăn trong quá trình giải quyết với chủ nhà hàng, quán ăn, bạn chỉ cần gọi tới những số điện thoại đó để nhờ hỗ trợ.
Nguồn Emdep