Tại Nghị quyết số: 11/NQ-CP, ngày 30 tháng 01 năm 2022 về chương trình phục hồi kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình đã nhấn mạnh, cần kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Chính phủ, triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho sự phục hồi phát triển kinh tế đất nước…
Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh
Để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trước mắt và lâu dài, Nghị quyết nêu rõ: Tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023); tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hướng dẫn và tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thực hiện thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí phù hợp; phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư trong kiểm soát dịch bệnh và thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị Covid-19, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Chính sách hỗ trợ Chương trình có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động thúc đẩy cả phía cung và phía cầu. Có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu.
Các giải pháp hỗ trợ phải khả thi, triển khai ngay, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm (2022 – 2023) với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh. Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thì thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn; Huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Cân đối hợp lý giữa các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên. Dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách; Bảo đảm hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.
Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động sau đại dịch Covid-19
Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh; thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với (tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng). Đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội (tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng); cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập (tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng; Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch (tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng).
Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những chính sách được cộng đồng người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rất mong đợi, là nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ được tăng cường cho nền kinh tế và giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn từ việc hỗ trợ lãi xuất 2%/năm, trong năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Mức ưu đãi này cho các khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực vận tải, kho bãi, du lịch dịch vụ, lưu trú, ăn uống, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan và hoạt động dịch vụ thông tin cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê…
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho biết: Để đạt hiệu quả cao trong thực thi Nghị quyết của Chính phủ, triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng hiệu quả, Chính phủ nên ban hành chương trình phòng chống dịch, cập nhật Nghị quyết 128, bởi hiện tại các địa phương đang chờ đợi chương trình phòng chống dịch bài bản hơn, trong đó chú trọng nâng cao năng lực y tế. Đây là cơ hội tốt để đẩy nhanh cải cách thể chế, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế nhanh hồi phục. Đặc biệt là tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thu Hằng