Đã 5 tháng trôi qua, các DN vẫn mòn mỏi mong chờ Nghị quyết này sớm được cụ thể hóa để "gỡ khó" cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Nghị quyết 19/2018/NQ-CP Chính phủ đã yêu cầu: Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng: (i) bãi bỏ qui định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”. Sở dĩ có yêu cầu này do Nghị định số 09/2016/NĐ-CP qui định: “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”, “bột mỳ phải bổ sung sắt và kẽm” đang làm khó DN. Vì việc sản xuất thực phẩm bao gói sẵn phải dùng muối i-ốt vừa gây khó cho sản xuất, vừa không có tác dụng do chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong lượng muối ăn vào, và i-ốt bay hơi trong quá trình gia nhiệt nên hầu như không còn trong sản phẩm. Mặt khác còn gây nguy cơ sức khoẻ đối với những người thừa i-ốt. Còn quy định bột mỳ phải bổ sung sắt và kẽm khiến các DN Việt Nam sẽ không nhập khẩu được bột mì vì các nước sản xuất bột mì đều từ chối bổ sung sắt hay kẽm vào sản phẩm.
Tương tự, Nghị quyết 19/2018/NQ-CP Chính phủ cũng đã yêu cầu: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem xét sớm giải quyết khó khăn đối với DN như: (i) thủ tục kiểm dịch động vật hai giai đoạn, tại hai cấp của cơ quan thú y; (ii) khái niệm “sản phẩm động vật” tại phụ lục I thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNN và phụ lục 22 Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT làm cho diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật quá rộng, quá mức cần thiết (chỉ nên kiểm dịch đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế). Bởi vì trên thực tế các Thông tư 25/2016 và phụ lục 22 Thông tư 24/2017 của Bộ NN&PTNT yêu cầu kiểm dịch động vật đối với bất kỳ sản phẩm nào có chứa sữa hay các thành phần từ sữa, bất kể đã qua hay chưa qua chế biến. Điều này mâu thuẫn với thông lệ quốc tế vì OIE (Tổ chức Thú y Thế giới) và Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex Quốc tế - CAC) chỉ yêu cầu kiểm dịch đối với sữa và sản phẩm sữa nguyên liệu, còn các sản phẩm thực phẩm có sữa đã qua chế biến không cần kiểm dịch vì nguy cơ dịch bệnh đã bị tiêu diệt khi qua xử lý nhiệt để chế biến. Quy định này hiện đang gây tốn kém và lãng phí hàng trăm tỉ đồng, mất thời gian cho DN nhập khẩu sữa thành phẩm khi phải chờ 1-2 tuần ở cảng chờ kiểm dịch, chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, hiện nhiều DN cả Việt Nam và nước ngoài cũng đang lo lắng khi dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) do Bộ Tài chính đang soạn thảo có đề xuất áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường. Như vậy, các sản phẩm dinh dưỡng và sữa cũng sẽ nằm trong diện bị đánh thuế và giá của các mặt hàng này sẽ tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận người dân nhất là các đối tượng đặc biệt như người già và trẻ em, trong khi tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam còn cao (lên tới 25%). Vì vậy các DN mong rằng Luật cần phân biệt rõ “nước giải khát” chứ không nên dùng từ “nước ngọt” chung chung để áp thuế sẽ gây khó cho các DN sản xuất kinh doanh các mặt hàng dinh dưỡng.
Với những khó khăn trên của DN cũng như vì quyền lợi của người tiêu dùng, hy vọng Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ sẽ sớm được triển khai giúp DN được “cởi trói” trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo báo Công Thương