Nghị quyết 55-NQTW càng đặc biệt bởi đúng thời điểm năm 2020 là năm cuối cùng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và cũng là năm chúng ta đang khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 10 năm tới, thể hiện được quan điểm, tầm nhìn của Đảng đối với phát triển lĩnh vực năng lượng của quốc gia. Nghị quyết đã đưa ra nhiều điểm mới trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và chi phí hợp lý. Nghị quyết đã xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới là tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Là Bộ chuyên ngành và là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó, có Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ sẽ được ban hành trong quý III/ 2020; Quy hoạch điện VIII (dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020), Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2020), Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII trong khi chờ Quy hoạch điện VIII. Có thể nói đây là các đề án có tính nền tảng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển năng lượng, điện lực Việt Nam trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020
Để Nghị Quyết 55 đi vào cuộc sống, được triển khai một cách hiệu quả, nhất quán trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55 sẽ bao gồm:
Bộ Công Thương và các bộ ngành sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực này trong bối cảnh ngành năng lượng đang phát triển hết sức năng động.
Ngoài việc tổng kết, rà soát, sửa đổi lại một số Luật như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại từ lâu nay, tạo điều kiện cho ngành năng lượng có thể biến đổi cả về chất và lượng theo chiều hướng ngày càng tốt lên; Thúc đẩy phát triển lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện tại Việt Nam; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cao, như ngành thép, hóa chất, xi măng, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Xây dựng Chương trình chuyển đổi thị trường phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao; Thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG, nhiên liệu sinh học, năng lượng điện, năng lượng có tiềm năng khác) để thay thế nhiên liệu truyền thống đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để gắn sự phát triển lĩnh vực năng lượng quốc gia với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng…
Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích và làm rõ một số quy định tại một số Luật chuyên ngành, nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn vào những lĩnh vực khác nhau của hệ thống năng lượng quốc gia, đặc biệt là đầu tư vào phát triển hệ thống điện... Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành năng lượng, đảm bảo môi trường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng bằng cách hoàn thiện cơ chế, xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng truyền thông số; hệ thống giám sát, quản lý năng lượng tự động, báo cáo thống kê năng lượng quốc gia phục vụ công tác quản lý, điều hành hiệu quả ngành năng lượng…
Diễn đàn năng lượng sạch Bộ Công Thương
Đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược là chủ trương lớn của Chính phủ để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài. Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ thúc đẩy triển khai chương trình trao đổi điện từ các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhập khẩu từ các nhà máy điện hoặc qua lưới điện; nghiên cứu liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng Mê Kông để tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng… Chính phủ sẽ triển khai áp dụng các mô hình sử dụng các nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng chất thải; áp dụng giải pháp thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại các cơ sở, trung tâm phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại và siêu thị...
Vai trò lãnh đạo của Đảng, sự hiện diện của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển ngành năng lượng là một quan điểm chỉ đạo mới trong Nghị quyết 55… Cùng với Chính phủ, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng Nghị quyết số 55 đối với ngành năng lượng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương, đất nước. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng các cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn; tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá để phát triển bền vững ngành năng lượng...
BBT