Thống kê trên vừa được Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) công bố, theo đó chỉ trong nửa tháng 3, số chi cho nhập khẩu rau củ quả đã vượt ngưỡng các hàng hóa nhập khẩu thông thường, trở thành các loại hàng hóa có kim ngạch nhập khẩu cao trong nhóm nông sản.
Cụ thể, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 3, số chi nhập khẩu hoa quả đã đạt con số 31 triệu USD, trung bình 2 triệu USD/ngày (tương đương khoảng 47 triệu đồng). Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, cả nước chi hơn 194 triệu USD nhập rau quả (khoảng hơn 4.400 tỷ đồng), tương đương khoảng 59 tỷ đồng/ngày.
Như vậy, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 3 năm nay đã hơn 7 triệu USD so với cùng kỳ các năm 2016, tăng hơn 15 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015 và hơn 17 triệu USD so với năm 2014. Gia tăng kim ngạch nhập khẩu rau quả Việt Nam đạt từ 20% đến hơn 50% so cùng kỳ các năm trước.
Trước đó, thống kê tháng Hai và hai tháng đầu năm của Tổng cục Hải Quan cũng ghi nhận kim ngạch nhập khẩu mặt hàng rau củ đạt 164 triệu USD, tương đương gần 2,8 triệu USD (khoảng 64 tỷ đồng).
Trong đó, các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau củ lớn nhất bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Úc và New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật… Riêng thị trường Thái Lan, rau quả của nước này nhập vào chiếm hơn 45% thị trường rau quả nhập khẩu, rau quả Trung Quốc chiếm hơn 25% và rau quả Úc và New Zealand, Nhật, Hàn chiếm từ 3- 8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đáng lưu ý, trong khi nông sản của Việt Nam liên tục rơi vào tình trạng rớt giá thê thảm, thậm chí nhiều tổ chức phải đứng ra “giải cứu”, thu gom nông sản để kêu gọi tiêu thụ giúp cho bà con nông dân thì rau củ ngoại lại liên tiếp được nhập khẩu về với lũy kế tăng dần qua mỗi năm qua nhiều con đường.
Nếu rau củ Trung Quốc tiêu thụ lượng lớn tại các khu chợ lớn nhỏ thì rau củ Thái Lan đi con đường “bền vững” hơn là qua hệ thống các chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ đã được thâu tóm bởi các “đại gia” Thái.
Đặc biệt, theo chuyên gia, hai thị trường lớn là Thái Lan và Trung Quốc lại có nhiều sản phẩm rau củ trùng hợp với chủng loại đang được sản xuất và gieo trồng tại Việt Nam như: Cà chua, bắp cải, khoai tây, mận, lê, đào, táo… Điều này dẫn tới tình trạng nông sản Việt vốn đã khó trong tiêu thụ nay lại gặp sự cạnh tranh gay gắt khiến giá thành “lao dốc” thảm hại hơn.
Gần đây nhất chính là tình trạng cà chua trong nước thương lái mua với giá 1.000 đồng/kg, sau đó là bắp cải 1.500 đồng/kg và chuối ế ở Đồng Nai cũng với giá 1.500 đồng/kg khiến người nông dân nỗ nặng, khiến nông sản Việt đang thua trên chính sân nhà.
Hơn nữa, với tâm lý sính đồ ngoại, đặc biệt là với các mặt hàng của Thái Lan, trước giờ vốn dĩ rất “được lòng” người tiêu dùng Việt, các sản phẩm rau củ Thái Lan tại các chuỗi hệ thống bán lẻ đã nhanh chóng được khách hàng Việt Nam lựa chọn, khiến rau củ Việt lại càng rơi vào thế bí.
Vì vậy, theo các chuyên gia, cần có biện pháp điều hòa để tránh việc những mặt hàng rau củ quả mà Việt Nam có thể sản xuất được lại vẫn nhập khẩu nhiều dẫn đến tình trạng nhập siêu có thể quay trở lại.
Biện pháp trước mắt là đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng rau củ quả trong nước thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và chú trọng khâu đóng gói, nhãn mác, bao bì và xây dựng thương hiệu sản phẩm, tránh tình trạng tiểu thương trộn hàng Việt với hàng Trung Quốc.
Nguồn Enternews