Thứ Sáu, 22/11/2024 23:18:00 GMT+7
Lượt xem: 4470

Tin đăng lúc 01-09-2016

Nghiên cứu - Trao đổi: Những vấn đề cần quan tâm trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam

Sau 30 năm đổi mới, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ được ký kết và Việt Nam gia nhập WTO, cùng nhiều FTA giữa Việt Nam với các nước và khu vực có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu của nước ta đã có bước phát triển rất ấn tượng.
Nghiên cứu - Trao đổi: Những vấn đề cần quan tâm trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam
Ảnh minh họa

I. Xuất khẩu - điểm sáng trong bức tranh kinh tế

 

Có thể khẳng định, xuất khẩu luôn là điểm sáng trong kinh tế Việt Nam thời gian qua.

 

Số liệu thống kê trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn từ năm 2000 đến nay (nguồn: Tổng cục Hải quan)

 

 

Từ năm 2000 đến nay (trừ năm 2009), kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng ở mức khá cao. Thời kỳ 2001 - 2010, tăng trưởng bình quân 17,3% /năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP trên 2,4 lần; giai đoạn 2011 - 2015, đạt gần 19%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân GDP khoảng 3,2 lần. Trong vòng 15 năm, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 14,5 tỉ USD (năm 2000) lên khoảng 162,1 tỉ USD (năm 2015) và kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người  tăng từ 175 USD (năm 2000) lên 1.768 USD (năm 2015), rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch với một số nước trong khu vực.

 

Xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác tiềm năng, thế mạnh của đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Điểm đáng chú ý, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, từng bước giảm xuất khẩu dạng thô, sơ chế, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo hàm lượng công nghệ cao. Tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản giảm; nhóm hàng công nghiệp chế tạo, chế biến tăng nhanh. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng, năm 2015 có 23 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Cán cân thương mại đã được cải thiện và chuyển từ trạng thái thâm hụt lớn trong giai đoạn 2006 – 2011 sang thặng dư hoặc nhập siêu giảm. Năm 2012, xuất siêu 284 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 863 triệu USD, đến năm 2014 vẫn duy trì được đà xuất siêu khoảng 2 tỷ USD, năm 2015 nhập siêu 3,54 tỷ USD.

         

II. Những vấn đề cần quan tâm trong hoạt động xuất khẩu

         

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, nhưng đến nay hoạt động xuất khẩu đã bộc lộ nhiều bất cập lớn, đòi hỏi chúng ta phải hết sức quan tâm, đó là:

 

1.Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đang có xu hướng chậm lại

 

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đáng làm cho chúng ta lo ngại. Nếu năm 2011, tăng trưởng đạt 34,2%, thì năm 2012 xuống còn 18,2%, năm 2013 lại xuống 15,4%, năm 2014 là 13,7%, năm 2015 còn chưa đầy 8,0% và 6 tháng đầu năm nay chỉ khoảng 5,9% (năm 2015 và nửa đầu năm 2016, không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 10%/năm). Đây là xu hướng giảm sút rõ rệt, chúng ta cần có sự phân tích, đánh giá thật kỹ.

 

2. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ngày càng “lấn át” doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

 

Do có nhiều lợi thế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý và thị trường ngoài nước, nên khu vực FDI ngày càng “lấn át” hoàn toàn các doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

 

Số liệu thống kê trị giá xuất khẩu của DN FDI và DN 100% vốn trong nước những năm gần đây (nguồn:Tổng cục Thống kê)

 

 

Từ năm 2011đến nay, xuất khẩu của các DN FDI luôn tăng trưởng cao. Năm 2011: 39,3%; năm 2012: 31,2%; năm 2013: 22,4%; năm 2014: 15,2%; năm 2015: 13,8%, 6 tháng đầu năm 2016: 6,9%. Trong khi đó, các DN 100% vốn trong nước tăng rất chậm, thậm chí năm 2015 còn giảm. Nếu tỷ trọng xuất khẩu của các DN trong nước năm 2000 chiếm 52,98%, thì đến năm 2012 giảm xuống còn 36,93% và đến năm 2015 chỉ còn khoảng 29,1%; khu vực FDI tăng tương ứng 47,02% năm 2000 lên 63,07% năm 2012 và năm 2015 tăng lên 70,9%.

         

3. Những mặt tồn tại khác

 

Tuy có sự tăng trưởng tương đối nhanh về số lượng, nhưng đa số mặt hàng nông, lâm, thủy sản, khoáng sản của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, dẫn tới giá trị gia tăng thấp. Các mặt hàng nhóm công nghiệp chế tạo, chế biến chủ yếu là gia công, nhập khẩu linh kiện để lắp ráp, dẫn đến nhập siêu lớn. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, nên không chỉ không làm tăng tỷ trọng nội địa hóa, mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Ngay khu vực DN FDI, tỷ lệ gia tăng trong tăng trưởng FDI cũng không nhiều, khoảng 17-18%.

 

Mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến và thương nhân xuất khẩu chưa được chặt chẽ. Do đó, chưa góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu.

 

Nhập siêu dịch vụ vận tải có xu hướng tăng, cho thấy những bất lợi khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ trong khuôn khổ WTO và cộng đồng ASEAN từ năm 2015 và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tương lai không xa.

 

Chiến lược xuất khẩu chưa gắn với việc khai thác thế mạnh về nông nghiệp,  chủng loại sản phẩm nghèo nàn và chủ yếu cạnh tranh về số lượng và giá cả, đồng thời tập trung quá nhiều vào một số ít thị trường nên dễ gặp rủi ro. Vai trò điều phối của các hiệp hội ngành nghề thiếu hiệu quả, dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây nhiều hệ quả giữa các doanh nghiệp trong nước.

 

Chính sách tỷ giá vẫn chưa rõ ràng giữa mục tiêu khuyến khích xuất khẩu với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, giữ giá trị VND. Đầu tư vào hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu còn nhiều bất cập…

 

III. Những giải pháp cần thực hiện để xuất khẩu tăng trưởng bền vững và thực chất

 

Để khắc phục được những tồn tại trong hoạt động xuất khẩu và đạt được mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau đây:

         

Tiếp tục quá trình tự do hoá kinh tế, thương mại theo lộ trình cam kết quốc tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng theo quy tắc lợi thế so sánh; huy động và sử dụng một cách có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Tiếp tục hoàn thiện cấu trúc kinh tế thị trường, xây dựng đồng bộ các loại thị trường để nhanh chóng có một nền kinh tế thị trường đầy đủ theo cam kết với Tổ chức thương mại thế giới. Mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác kinh tế toàn diện với các nước, thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo dựng được vị thế chiến lược của quốc gia trên trường quốc tế. Cần nỗ lực và quyết liệt cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng xuất, nhập khẩu theo hướng hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

 

Tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sân bay, bến cảng và quy hoạch đô thị. Đảm bảo độ mở hợp lý của nền kinh tế, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hình thành hợp lý tỷ lệ của FDI so với GDP, của kim ngạch XNK so với GDP, tỷ lệ dư nợ nước ngoài so với GDP để đảm bảo độ mở hợp lý cho tăng trưởng nhanh và mức an toàn cần thiết cho nền kinh tế. Coi trọng phát triển thị trường trong nước gắn với thị trường ngoài nước, đa dạng hoá phương thức xuất khẩu qua biên giới và xuất khẩu tại chỗ. 

 

Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao. Phát triển nhanh, mạnh công nghiệp hỗ trợ để giảm hình thức gia công, tăng thêm giá trị gia tăng trong từng sản phẩm xuất khẩu.

 

Duy trì và phát triển các thị trường truyền thống, trọng điểm, có quan hệ tốt như Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc…; mở rộng thêm các thị trường còn nhiều tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Mỹ latinh, Đông Âu và đặc biệt là Nga…

 

Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp về những nội dung cơ bản, những cơ hội và thách thức của các Hiệp định như: WTO, TPP, Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, ASEAN AFTA…

 

Tăng cường và đổi mới hoạt động phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường.

 

Sử dụng các biện pháp đồng bộ như rào cản kỹ thuật, chính sách tiền tệ. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu để tránh rủi ro cho doanh nghiệp trong các hợp đồng thương mại.

 

Trong thời đại ngày nay không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển mà không chịu sự tác động của những quan hệ mang tính tổng hợp, khu vực và toàn cầu. Hội nhập quốc tế đòi hỏi phải chấp nhận “luật chơi’ và “cách chơi” toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, việc sửa đổi, bổ sung các pháp luật có liên quan, hoàn thiện và hoà hợp các chính sách, cơ chế nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại sẽ là một giải pháp hữu hiệu để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển xuất khẩu một cách bền vững!./.

 

Lê Phương Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang