Gian bếp toàn hàng Nhật
Vừa đứng chờ nhân viên của cửa hàng tiện lợi gần nhà thanh toán, chị Nguyễn Thanh Hải ở Trung Kính (Hà Nội) vừa rút ra tờ giấy trong ví rồi vội kiểm đồ trong giỏ hàng: “Mì chính có rồi, hạt nêm có rồi, gia vị rắc cơm đã đủ, nước rửa bát, kem đánh răng…”. Sau khi kiểm đếm các mặt hàng cần mua đã xong, chị liền gọi với nhân viên lấy hộ cho chị thêm 10 gói mì mug vị hải sản nữa để chị tính tiền một thể.
Gọi nhân viên xong, chị rút ra trong ví 3,5 triệu đồng để đưa cho nhân viên thu ngân nói thêm: “Hôm nay mua ít, hóa đơn chỉ bằng nửa hôm trước nhỉ”. Chị Thanh Hà chia sẻ, tất cả giỏ hàng chị vừa thanh toán tiền đều là hàng Nhật Bản. Thế nên, dù chỉ là mấy loại gia vị và thực phẩm khô nhưng cũng hết cả mấy triệu đồng.
Chị cho hay, 5-6 năm nay, với đồ điện tử, điện gia dụng thì gia đình chị dùng chủ yếu là hàng Nhật bãi vì chất lượng tốt, bền. Còn về các loại thực phẩm thì lại hay chọn hàng Thái Lan, Hàn Quốc. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, chị chuyển sang dùng hàng Nhật 100%.
Đơn cử, trong gian bếp nếu chỉ tính nguyên các loại nhu yếu phẩm thì từ gói mì chính, lọ hạt nêm, mì tôm, mì gạo phô mai, gia vị rắc cơm, dầu ăn, dấm,… cho đến lọ muối tiêu đều là hàng Nhật. Ngoài ra, những món đồ khác như chiếc thớt, con dao, đôi đũa... chị cũng dùng hàng nhập khẩu từ Nhật Bản.
Theo chị Hải, hàng Nhật Bản có loại đắt đỏ như: mì chính Ajinomoto loại 1kg có giá 280.000 đồng, hạt nêm Youki giá 640.000 đồng/kg, mì tôm giá 68.000 đồng/gói, dầu ăn chiết xuất từ gạo lứt giá 140.000 đồng/chai 600g… nhưng cũng có món hàng giá cả khá phải chăng. Ví như nước rửa bát Wai giá 109.000 đồng/can 4 lít, kem đánh răng giá chỉ 70.000 đồng/tuýp.
So hàng của Hàn Quốc, Thái Lan, hàng Nhật, có thể hàng Nhật Bản đắt gấp 2-3 lần. Thế nhưng, chị vẫn thích dùng bởi lý do đơn giản là từ trước đến nay, bất cứ loại hàng hóa nào sản xuất tại xứ sở mặt trời mọc cũng có chất lượng cực kỳ tốt nên chị khá yên tâm, không lo độc hại.
Tương tự, chị Hà Thu Hằng ở Làng Việt Kiều Châu Âu (Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ, trước kia, nhà chị thường chỉ dùng các loại hoa quả của Nhật Bản. Song nay, hàng hóa của Nhật áp đảo, chiếm ¾ số đồ trong có trong nhà.
Ngoài những thứ có trong gian bếp, những loại vật dụng có trong nhà tắm như xịt bồn cầu, khăn tắm, bông tắm, dầu gội đầu, sữa rửa mặt, kem đánh răng… thậm chí là cả tăm bông cũng là hàng Nhật, chị Hằng cho hay.
Bình dân hóa hàng Nhật
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Trần Văn Toàn, chủ một cửa hàng tiện ích ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, dân Việt giờ chuộng mua hàng Nhật chẳng kém gì hàng Hàn hay hàng Thái.
Theo anh Toàn, trước kia nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ rằng hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản luôn là hàng cao cấp, giá cả sẽ đắt đỏ, chỉ dành cho những người có thu nhập cao. Thế nhưng, thực tế hiện nay, ngoài những dòng sản phẩm cao cấp phục vụ cho giới nhà giàu lắm tiền nhiều của thì hàng Nhật bình dân cũng ngập tràn thị trường, trong khi đó, chất lượng hàng vẫn tốt vượt trội.
Ví dụ, cửa hàng tiện lợi của anh có hơn 1.000 sản phẩm thực phẩm các loại, trong đó, sản phẩm cao cấp có giá từ 250.000 - 700.000 đồng/sản phẩm chiếm tỷ lệ chỉ khoảng 15%, sản phẩm có giá trên 100.000 đồng chiếm chiếm hơn 30%. Các sản phẩm có giá dưới 100.000 đồng chiếm khoảng trên 50%. Nhiều sản phẩm chỉ có giá hơn 20.000-30.000 đồng.
Theo giới kinh doanh, ngoài những mặt hàng cao cấp, hiện nay hàng Nhật bình dân cũng khá nhiều nên được người Việt chuộng mua
Theo đó, thay vì chỉ có những gia đình mới chọn dùng hàng Nhật, giờ đây, những gia đình ở tầm trung cũng bắt đầu chuộng mua hàng Nhật.
Thừa nhận, chị Phạm Ngọc Lan chủ một shop đồ Nhật ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khoảng 2 năm trở về trước, cửa hàng của chị chủ yếu bán hàng Thái Lan, số sản phẩm hàng Nhật chỉ đếm trên đầu ngón tay vì khá kén khách.
Song, gần một năm nay, khách hỏi mua hàng Nhật nhiều hơn nên chị chuyển dần sang buôn hàng Nhật qua con đường nhập khẩu chính ngạch, đường xách tay. Kết quả, hàng Nhật trong cửa hàng giờ đã chiếm tới 80%.
Ngoài một số mặt hàng cao cấp, hàng xách tay với giá bán khá đắt đỏ, hàng Nhật giờ giá cũng bình dân. Như thộp bảo vệ thức ăn chỉ có giá 28.000 đồng/sản phẩm, thớt gỗ giá 55.000 đồng/chiếc, đũa tre 55.000 đồng/5 đôi, thảm lau chân giá 50.000 đồng/chiếc, khăn tắm 54.000 đồng/chiếc…
“Với mức giá như này, các sản phẩm hàng Nhật chỉ có giá tương đương với hàng Việt và hàng Thái chứ không đắt hơn”. Chị Lan nói và cho biết, nhờ có nhiều sản phẩm giá bình dân nên hàng Nhật ngày càng hút khách.
Chia sẻ về vấn đề hàng Nhật, Lê An Hải, Vụ Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cũng từng thừa nhận, người dân Việt đã quen với hàng hóa của Nhật bởi uy tín, chất lượng, đồ bền và sự hài lòng khi sử dụng. Quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa hai nước không ngừng phát triển. Nhật Bản luôn nằm trong top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Theo đó, hàng hóa Nhật ngày càng phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Bảo Phương/Vietnamnet