Năm 2019 là một năm có nhiều biến động lớn đối với chính trị và kinh tế thế giới. Những bất ổn đan xen ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực, xu hướng chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ thương mại đã đẩy các cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, đã có tác động lớn đến cục diện chính trị - kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn luôn kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa đẩy mạnh hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng vào các vấn đề của thế giới, tạo thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định phát triển đất nước.
192 trên tổng số 193 phiếu, con số cao kỷ lục trong lịch sử 75 năm của Liên Hợp quốc, đánh dấu sử trở lại thuyết phục của Việt Nam tại Hội đồng Bảo An. Con số 192 là minh chứng rõ nhất sự đóng góp và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tại các diễn đàn của thế giới.
Không phải ngẫu nhiên, hồi đầu năm nay, cả Mỹ và Triều Tiên đã lựa chọn Việt Nam trở thành địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2. Tinh thần ngoại giao trung lập, yêu chuộng hòa bình đã khiến cho cái tên Việt Nam trở nên tin cậy với bạn bè quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi rời Việt Nam đã viết trên trang cá nhân Tweeter: “Việt Nam là một nơi tuyệt vời”.
Trong cuộc họp báo trước đó, Tổng thống Mỹ cũng đã cảm ơn người dân Hà Nội vì sự đón tiếp nồng nhiệt trước sự kiện này: “Tôi muốn cảm ơn các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Hà Nội là một thành phố tuyệt vời với những thành quả phát triển kinh tế trong 25 năm qua. Thành quả này thực sự là rất đáng kinh ngạc của Việt Nam. Tôi rất cảm ơn người dân Việt Nam đã đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt”.
Có được sự tin tưởng đó, chính là nhờ những đóng góp không ngừng nghỉ của Việt Nam trong suốt hơn 40 năm qua trên cương vị thành viên của Liên Hợp Quốc cũng như là của các diễn đàn đa phương khác. Đặc biệt, Việt Nam ngày càng có những đóng góp to lớn trên phương diện cầu nối, bảo đảm, gìn giữ hòa bình của thế giới.
Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi rời Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh chia sẻ: “Việt Nam đã tham gia rất tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế và khu vực. Chúng ta đã đăng cai nhiều hoạt động lớn và ở những thời điểm khác nhau có những thách thức mà chúng ta dẫn dắt được những hoạt động đó dẫn đến thành công, đạt được kết quả đáp ứng được sự trông đợi của quốc tế và khu vực”.
Thúc đẩy thương mại đa phương
Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao chính trị, một dấu ấn không thể không kể đến, đó là ngoại giao kinh tế. Trong năm 2019, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau thời gian dài đàm phán.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo EU tại Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA).
EVFTA và EVIPA mở ra những cơ hội to lớn để hai bên khai thác tối đa tiềm năng và sự bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững. Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, việc EU lần đầu tiên ký kết FTA với một nước đang phát triển là Việt Nam, đồng thời là nước thứ 4 ở Châu Á, cho thấy EU đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam.
Đánh giá về ý nghĩa của việc ký kết EVFTA và EVIPA, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư được ký kết có thể nói là vị thế của Việt Nam được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia có đóng góp rất to lớn và có trách nhiệm trong sự phát triển của toàn cầu hóa, theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại”.
Kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền
Những thành tựu chính trị ngoại giao và kinh tế đã giúp chúng ta ngày càng có tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và đây cũng tăng thêm những cơ hội để chúng ta đảm bảo chính sách ngoại giao độc lập, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biên giới.
Tàu thăm dò Hải Dương 8 liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian qua. Ảnh: Weibo.
Năm 2019 là một năm mà chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông gặp nhiều thách thức. Việc Trung Quốc liên tục đưa tàu và giàn khoan vào vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Việt Nam đã xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta.
Bằng các biện pháp đấu tranh kiên trì thông qua con đường ngoại giao, đề cao sự minh bạch trong tiến trình giải quyết các tranh chấp, luôn giữ thái độ hợp tác khi xuất hiện những mâu thuẫn, Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
GS. TS Phạm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐHKHXHNV, Đại học Quốc gia nhận định: “Ngoại giao được coi là công cụ sắc bén để thế giới hiểu về Việt Nam, chia sẻ những giá trị và quan điểm của Việt Nam đó là giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Đó là những nguyên tắc bất di bất dịch và đây là thời điểm mà chúng ta cần phải sử dụng công cụ ngoại giao trong vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Cam kết cùng thế giới gắn kết và chủ động thích ứng
Năm 2020 được đánh giá là phức tạp, khó lường: các cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu dừng lại, khủng bố, xung đột, cạnh tranh các nước lớn sẽ vẫn tiếp diễn và ảnh hưởng đến cục diện toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cam kết duy trì thực hiện chính sách độc lập tự chủ và hội nhập toàn diện, mở rộng quan hệ với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Ảnh: TTXVN
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định: “Chúng tôi cam kết theo đuổi những giá trị mục tiêu và nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp quốc. Chúng tôi cam kết mở rộng hơn sự hợp tác và sẵn sàng làm việc với tất cả các quốc gia thành viên. Chúng tôi sẵn sàng cùng các nước bắt tay giải quyết tất cả những thách thức mang tính truyền thống và phi truyền thống đối với nền an ninh toàn cầu”.
Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của năm ASEAN 2020 chưa bao giờ lại thích hợp như trong giai đoạn hiện nay. Những dấu ấn ngoại giao năm 2019 sẽ là tiền đề để Việt Nam thực hiện những cam kết này một cách có hiệu quả nhất, từ mức độ song phương, khu vực tới toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam cùng một lúc đảm nhiệm 2 nhiệm vụ kép: Vừa là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa là Chủ tịch luân phiên của ASEAN./.
Theo VOV