Quyền Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia (CPC), ông Kem Sithone cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia liên tục tăng. Kim ngạch hai chiều năm 2011 đạt 2,83 tỷ USD; năm 2012 đạt 3,3 tỷ USD; năm 2013 đạt 3,43 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất hàng qua thị trường Campuchia đạt khoảng 2,8 tỷ USD.
Lý do hàng Việt Nam được người tiêu dùng Campuchia ưa chuộng và tin dùng trong một thời gian dài là vì hàng Việt xuất sang đây luôn đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng với mẫu mã đẹp, đa dạng. Không những thế, việc tiếp cận thị trường, tìm hiểu thói quen, sở thích của người Campuchia cũng được các doanh nghiệp Việt chú trọng. Các doanh nghiệp, công ty của Việt Nam thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng cũng như sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới tiện dụng và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Campuchia.
Tại hội chợ, sản phẩm chính tại các gian hàng thuộc các lĩnh vực, có lương thực, thực phẩm, nước giải khát, nhựa gia dụng, may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ… Trong đó, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp đã tạo được uy tín và thương hiệu vững mạnh trên thị trường Campuchia như: Vinamilk, Vissan, Cadivi, Cầu Tre, nhựa Vỹ Hưng, Dược phẩm 3/2. Bà Ly Thea, nhà phân phối sản phẩm của công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang (Đồng Tháp) cho biết, một số loại thực phẩm mà người dân Campuchia chọn mua nhiều gồm: Bánh phồng tôm, hủ tiếu, bún gạo, phở khô…. tại siêu thị, chợ ở Phnôm Pênh và nhiều tỉnh khác ở Campuchia. Riêng mặt hàng bánh phồng tôm tiêu thụ mạnh ở đất nước này thường vào dịp lễ, tết hay mùa cưới.
Bên cạnh đó, Công ty Vissan còn mang tới hội chợ triển lãm các sản phẩm mới như xúc xích tươi và năm loại patê đóng hộp, các nhãn hàng đều bằng tiếng Campuchia. Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi cũng đưa được 15 loại sản phẩm vào thị trường Campuchia và bánh phồng tôm, mì tôm. Theo khảo sát, người tiêu dùng nước bạn đều rất thích và có đánh giá khá tốt về sản phẩm của các doanh nghiệp vì hương vị thơm ngon, hợp khẩu vị, giá cả hợp lý.
Từ năm 2008, Công ty Dược phẩm 3/2 đã xuất sang thị trường Campuchia nhiều loại dược phẩm. Đại diện của Công ty cho biết, doanh số xuất khẩu sang thị trường này tăng đều từ 30-40%/năm.
Những kết quả đã đạt được là rất đáng khích lệ, bước đầu tạo đà để cho các sản phẩm của doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường Campuchia thuận lợi hơn. Song, việc tiếp cận và tăng cường hơn nữa việc xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Campuchia thì doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự quan tâm hơn nữa đến việc thiết lập kênh phân phối trực tiếp tại quốc gia này, chủ động phân phối hàng hóa mà không cần phải thông qua các thương lái nước bạn. Các doanh nghiệp phải xác định Campuchia là thị trường tiềm năng và phải có những chiến lược kinh doanh dài hạn, tìm hiểu sâu về thị trường cũng như thị hiếu người tiêu dùng; có chiến lược quảng bá, tiếp cận thị trường để hàng Việt Nam ngày càng xứng đáng là sự lựa chọn hàng đầu của người dân Campuchia, tạo sự bền chặt hơn nữa trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Bích Hồng