Trong bối cảnh môi trường số ngày càng phát triển, đối mặt với những thách thức đáng kể, tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã trở nên nguy hiểm và phức tạp hơn bao giờ hết. Theo báo cáo mới nhất của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng đáng kể, đạt mức tăng 64,78% so với cùng kỳ năm trước và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Sự gia tăng đột ngột của lừa đảo trực tuyến trong thời gian gần đây không chỉ đến từ việc các đối tượng lừa đảo tận dụng những tiện ích và công nghệ hiện đại mà còn là kết quả của sự tinh vi và hiệu quả trong việc xây dựng những hệ thống lừa đảo ngày càng gần với thực tế, làm cho người dùng khó phân biệt.
Trong 2023, các vụ tấn công lừa đảo trực tuyến vẫn đang có xu hướng tiếp tục gia tăng, đặc biệt là xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn so với những năm trước. Những đối tượng lừa đảo đã xây dựng những app mạo danh ứng dụng của cơ quan Nhà nước như: Chính phủ, Tổng cục Thuế... Sau đó, chúng dụ dỗ cài đặt app đó rồi kiểm soát thiết bị của nạn nhân, đồng thời lấy cắp thông tin cá nhân cũng như tài khoản của ngân hàng của nạn nhân. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar, cho hay.
Tình trạng lừa đảo trực tuyến hiện nay ngày càng trở thành vấn nạn đáng báo động khi vào thời điểm cuối năm, có nhiều chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm đến từ các nhãn hàng, sản phẩm và người tiêu dùng thường có tâm lý cởi mở hơn trong chi tiêu. Lợi dụng điều đó, những kẻ lừa đảo chắc chắn sẽ dựng nên những kịch bản, với các chương trình trúng thưởng, tặng quà, mua hàng giảm giá sốc…
Theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia NCS, trước khi tham gia bất kì chương trình khuyến mại nào, người tiêu dùng cần phải lưu ý và tìm hiểu kĩ càng những thông tin như: Đơn vị tổ chức, đơn vị cấp phép, vì tất cả các chương trình liên quan đến trúng thưởng, khuyến mãi đều phải đăng ký với Bộ Công Thương.
Trong trường hợp người tiêu dùng không thấy các chương trình này công bố trên các cổng thông tin chính thống, thì rất có thể đây là chương trình mang tính lừa đảo, người tiêu dùng phải hết sức cẩn thận. Vì khi tham gia vào các chương trình này, mới đầu các cái đối tượng lừa đảo có thể sẽ mời chào và thu những khoản phí nhỏ. Tuy nhiên càng về sau, khi người dùng tham gia càng sâu, có thể sẽ phải nộp nhiều khoản tiền lớn hơn.
Thậm chí, khi người dân muốn lấy lại số tiền trước đó đã bỏ ra, các đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn cài đặt các app trên điện thoại để lấy lại những số tiền mà họ đã bỏ ra. Sau đó, chúng có thể chiếm quyền điều khiển của điện thoại và chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản đi. Khi đã bị các đối tượng trực tiếp chuyển khoản đi, người dân rất khó có cơ hội để lấy lại tiền.
Thêm vào đó, ông Vũ Ngọc sơn chia sẻ: Tất cả ứng dụng người dân chỉ nên cài trên chợ ứng dụng chính thống, còn nếu bỗng nhiên nhận được một đường link, ứng dụng gửi qua đường link thì rất nhiều khả năng đây là ứng dụng lừa đảo và các đối tượng có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại, lấy thông tin nhạy cảm, thậm chí chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản đi.
Theo VietQ