Sản phẩm gỗ nội thất, ghế... của Việt Nam được người tiêu dùng Mỹ ưu chuộng nên có mức tăng trưởng khá mạnh. Việt Nam xuất sang Mỹ nhiều nhất là các sản phẩm ghế khung gỗ 809 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm gần 15% thị phần. Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 1 tỉ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo một số doanh nghiệp, con số thị phần được mở rộng trong năm nay dù rất nhỏ nhưng nó cho thấy một tín hiệu tích cực với ngành gỗ Việt Nam. Đó là khả năng mở rộng thị phần của gỗ Việt Nam tại thị trường quan trọng này. Tại thị trường Mỹ, Trung Quốc - nhà xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới đang gặp khó (hiện chịu thuế 10%, con số này có thể tăng lên 25% trong thời gian tới nếu căng thẳng thương mại vẫn tiếp tục); trong khi đó, Việt Nam là nguồn cung cấp lớn thứ hai lại đang được hưởng thuế suất ưu đãi từ 0 - 4% tùy mặt hàng. Chính những tác động bước đầu của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã giúp thị phần sản phẩm gỗ Việt Nam nhích lên, do các nhà nhập khẩu của Mỹ dịch chuyển đơn hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, nếu như tổng giá trị trong chuỗi sản xuất đồ gỗ trên thế giới là khoảng 140 tỉ USD thì giá trị hàng hóa tiêu dùng của người sử dụng hơn 450 tỉ USD, bao gồm giá trị của thương mại, thiết kế, phân phối, thương hiệu. Việt Nam nên định hướng lại câu chuyện của ngành chế biến gỗ theo con số 450 tỉ USD bằng cách tham gia cả khâu thiết kế, thương hiệu, thương mại, phân phối... thì giá trị mà Việt Nam nhận được cao nhiều so với hiện tại.
Ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia Forest Trends cũng cho hay, một số doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã chia sẻ rằng các đơn hàng vào Mỹ đang có xu hướng tăng do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Như vậy, việc Mỹ đánh thuế cao với các mặt hàng gỗ của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ có thể có lợi cho các DN chế biến gỗ của Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) cũng nhận định, thời gian tới, nếu sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm trong khi nhu cầu thị trường vẫn còn đó, thì sẽ là cơ hội rất lớn cho các quốc gia cung cấp vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, các DN Mỹ có thể sẽ đang tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, nếu có thể chứng minh năng lực và nắm bắt được cơ hội thì các DN Việt Nam sẽ có thể mở rộng được thị phần tại Mỹ.
Vấn đề là làm sao để có thể nắm bắt được cơ hội “vàng” này? Theo các doanh nghiệp, nguyên liệu chính là con “át chủ bài” cho vấn đề trên, bởi nguyên liệu hiện chiếm tới 45% giá thành của sản phẩm. Theo ông Hạnh, nguồn nguyên liệu cho chế biến gỗ phải là gỗ hợp pháp, bởi thị trường hiện nay không chỉ đòi hỏi chất lượng ở trên phần cứng của sản phẩm mà còn yêu cầu cả chất lượng sinh thái, tức là nguồn nguyên liệu đưa vào sản phẩm không làm ảnh hưởng gì đến môi trường sống của con người.
Theo Enternews