Dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong mùa cao điểm nắng nóng (từ ngày 1/6 – 15/10/2017), thị trường thịt lợn sẽ chững lại khi người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các sản phẩm thịt và chuyển sang sử dụng rau, củ quả cùng những loại thực phẩm tươi mát.
Giá chỉ nhúc nhích
Khảo sát tại Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước, giá lợn hơi bán tại trại hiện vẫn ở mức giá thấp 23.000 – 25.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Đông Nam Bộ, giá lợn hơi chỉ đạt khoảng 24.000 – 26.000 đồng/kg (lợn loại 1). Giá lợn hơi loại trên 130 kg/con chỉ dao động ở mức 16.000 – 19.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ dù liên tục triển khai những đợt “giải cứu”, giá lợn hơi vẫn không thể cán mốc 30.000 đồng/kg, thậm chí một số vùng đang có xu hướng giảm. Cụ thể, tại Trà Vinh, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg, dao động từ 22.000 – 23.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc cũng thê thảm không kém, tuần qua giá lợn hơi có xu hướng giảm, phổ biến ở mức 22.000 – 23.000 đồng/kg. Điển hình như tại Hà Nội (các huyện Quốc Oai, Thường Tín, Sơn Tây) giá lợn hơi loại 1 chỉ đạt 22.000 đồng/kg, tại Ninh Bình, Bắc Giang, Hưng Yên giá lợn lai, áp siêu chỉ đạt 19.000 – 21.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Các đợt “giải cứu” giúp thị trường lợn hạ nhiệt nhưng giá lợn hơi vẫn chỉ nhích lên rất ít hoặc nhích lên một chút rồi lại tuột xuống. Vì vậy, chăn nuôi lợn vẫn không thể hồi phục, người nông dân vẫn lỗ chồng lỗ”.
Theo chia sẻ của người nuôi lợn, với mức giá này, người nuôi đang chịu lỗ bình quân 1 – 1,8 triệu đồng/tạ lợn hơi. Giá lợn không chỉ thất thường, đầu ra cũng rất bế tắc, thương lái liên tục ép giá.
“Mới đầu, các chương trình giải cứu khiến thương lái không dám ép giá mạnh, giá tăng từ 19.000 – 20.000 đồng/kg lên khoảng 24.000 – 25.000 đồng/kg, nhưng sau một thời gian, thấy số lượng lợn “giải cứu” không được bao nhiêu, thương lái bắt đầu mạnh tay trở lại, giá lợn hiện cũng chỉ được 22.000 – 23.000 đồng/kg”, ông Hà Văn Huỳnh – chủ trại lợn tại Trảng Bom (Đồng Nai), chia sẻ.
Việc giá lợn hơi “chạm sàn” trong thời gian dài khiến nhiều trang trại lợn khốn đốn. Thống kê tại Đồng Nai, các trại lợn số lượng trên 100 con nái còn 60 – 70%, trang trại có số lượng 50 – 60 con chỉ còn 30 – 40%, gần như 100% các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 20 – 40 con nái phải “treo” chuồng.
Người nuôi “treo” chuồng
Ông Lưu Văn – chủ trại lợn tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho biết: “Các trại lợn nhỏ trong vùng sau khi bán tháo gần như không nhà nào tái đàn. Với các trang trại lớn, chỉ một tháng trước còn dự định tái đàn để đón “sóng” giá (sau khi giảm sẽ tăng) nhưng nay thì hết hy vọng, chỉ một số ít tái đàn, còn lại là hoạt động cầm cự”.
“Giá lợn hơi hiện là 23.000 – 24.000 đồng/kg nhưng rất khó bán. Để trả các khoản nợ đến hạn, nhiều người phải thuê thợ mổ lợn với tiền công hơn 200.000 đồng/con rồi đem bán lẻ. Mỗi con chỉ bán được khoảng 3 triệu đồng, lỗ khoảng 1 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều”, ông Phấn – một chủ trại lợn, cho hay.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, hơn 90% số hộ chăn nuôi nhỏ bị “sốc”, lỗ chồng lỗ phải “treo” chuồng. Chỉ những trang trại lớn, có nguồn vốn mạnh hoặc có đầu tư vốn nước ngoài mới tái đàn, duy trì đàn lợn chất lượng cao, tiếp tục cung ứng ra thị trường chờ giá lên.
Trong khi đó, các chương trình “giải cứu” liên tục được triển khai song số lượng không nhiều. Theo thống kê vào tháng 4 và 5/2017, trung bình lượng tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại chỉ 1.300 con lợn/ngày trong khi cả thành phố tiêu thụ đến 10.000 con/ngày.
Đại diện công ty An Hạ – đơn vị đầu tiên “khai hỏa” chương trình bán thịt lợn VietGAP giá rẻ – nhận định, nhu cầu bán lợn VietGAP của người nuôi hiện còn rất lớn. Với lượng tiêu thụ trực tiếp chỉ khoảng 40 con/ngày, đơn vị này chỉ thu mua một số lượng lợn nhất định với giá 25.000 đồng – 27.000 đồng/kg. Số còn lại, giá chỉ ở mức 23.000 đồng – 24.000 đồng/kg.
Vì vậy, thị trường lợn thịt vẫn rất cần sự quan tâm của người tiêu dùng. Đồng thời sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, đưa ra những giải pháp bền vững để bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại, mở cửa xuất khẩu nhằm tìm đầu ra cho thịt lợn.
Nguồn Thời báo Kinh doanh