Ngôi nhà khi còn nhỏ anh sống cùng gia đình bình dị rợp bóng cây xanh. Làng Thanh Quýt quê anh có nhiều đổi thay và trù phú. Điện, đường, trường, trạm và cơ sở hạ tầng hoàn thiện và phát triển. Nhiều hoạt động thi đua của xã và huyện như hội thi văn nghệ, thể dục thể thao, khởi công san lấp mặt bằng xây dựng tường rào trường mẫu giáo, giao thông nội đồng, vệ sinh… lập thành tích kỷ niệm 50 năm ngày anh hy sinh. Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng mới đẹp và khang trang, trưng bày những tư liệu và hình ảnh về anh. Từ những gì tôi được nghe, được biết về anh cách đây 50 năm cùng tiểu sử của anh được trưng bày trang trọng tại nhà tưởng niệm, cuộc đời và hình ảnh của anh Trỗi trở nên sống động trong lòng mỗi người:
Ngôi nhà nhỏ thuở anh Nguyễn Văn Trỗi sống cùng gia đình rợp bóng cây xanh.
Làng Thanh Quýt ( Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam ) quê hương anh Nguyễn Văn Trỗi ngày nay.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940 trong một gia đình nghèo ở Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1954, anh theo gia đình vào Sài Gòn và làm nghề thợ điện ở Nhà máy đèn Chợ Quán. Trong thời gian làm việc tại Nhà máy, anh giác ngộ cách mạng và trở thành chiến sĩ biệt động thuộc Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn. Năm 1964, anh được tập huấn cách đánh biệt động nội thành ở căn cứ Rừng Thơm, Đức Hòa, Long An. Ngày 2 tháng 5 năm 1964, anh nhận nhiệm vụ đặt mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Công việc bại lộ, anh bị địch bắt lúc 22 giờ ngày 9 tháng 5 năm 1964. Kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn dã man, tàn bạo đối với anh hòng tìm ra manh mối cơ sở của ta nhưng đều bị thất bại. Sau bốn tháng giam giữ, không lay chuyển được lòng trung kiên của anh, chính quyền Ngụy Sài Gòn đã kết án tử hình anh. Để cứu anh, một tổ chức du kích Venezuela tuyên bố trao đổi anh với một con tin là trung tá không quân Hoa Kỳ Michael Smolen mà họ vừa bắt giữ. Tuy nhiên, sau khi viên sĩ quan Hoa Kỳ vừa được trả tự do thì chúng lật lọng, vội vàng xử bắn anh. Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại sân sau nhà lao Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964 trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài. Anh tỏ ra vô cùng dũng cảm trước cái chết. Người thợ điện 24 tuổi ấy đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ về thái độ anh hùng của mình. Ở anh Trỗi, tinh thần dân tộc và khí thế của người có chính nghĩa đã và đang chiến thắng toát lên rực rỡ. Anh hùng hồn vạch trần tội ác xâm lược của đế quốc Mỹ trước các nhà báo. Trong phút cuối cùng của đời mình, anh giật phắt mảnh băng đen mà kẻ thù bịt mắt và hô to: " Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm !... Sự hy sinh anh dũng của anh làm chấn động dư luận quốc tế, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khẳng định cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Cái chết của Nguyễn Văn Trỗi là tấm gương cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân cả nước. 9 phút chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh tại pháp trường đã trở thành bất tử, thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ. Trên tấm ảnh chụp anh Trỗi tại pháp trường, Bác Hồ kính yêu đã ghi: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.
Sau khi chết, Nguyễn Văn Trỗi được truy nhận Đảng viên Nhân dân Cách mạng miền Nam. Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ trong phiên họp bất thường ngày 17/10/1964 đã quyết định truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng và Huân chương Thành đồng hạng Nhất cho liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi do đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nhiều tác phẩm thơ, văn, nhạc viết về anh. Trong đó nổi bật là Bài thơ " Hãy nhớ lấy lời tôi” của nhà thơ Tố Hữu; Tập bút ký " Sống như anh” của nhà văn Trần Đình Vân; Ca khúc “ Lời anh vọng mãi ngàn năm” của nhạc sĩ Hoàng Vĩnh… đã in đậm trong tâm khảm của hàng triệu triệu người. Với lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, từ một người thợ điện, anh Nguyễn Văn Trỗi đã sống, hành động và trở thành người anh hùng. Lần giở sổ vàng tại nhà tưởng niệm ghi cảm tưởng của các đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm, tôi cảm nhân sâu sắc sự ngưỡng mộ, tri ân và khâm phục của mọi người về tình thần yêu nước của anh Trỗi.
Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi tại quê hương anh
Ông Trương Công Phúc, Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Trung cho biết: xã nhà có hai anh hùng lực lượng vũ trang là Nguyễn Văn Trỗi và Lê Tự Nhất Thống, 38 bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiêu biểu là mẹ Nguyễn Thị Thứ (có 9 người con, 01 rễ, 02 cháu ngoại là liệt sĩ). Hình ảnh của mẹ Thứ được lấy nguyên mẫu xây dựng Dự án Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Xã có 1.770 hộ với 8.033 nhân khẩu. Kinh tế của xã theo hướng: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ; Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, thu nhập bình quân mỗi người dân khoảng 28 triệu đồng/ năm …
UBND xã Điện Thắng Trung ( Điện Bàn, Quảng Nam ) quê hương anh Nguyễn Văn Trỗi
Tạm biệt quê anh, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, càng cảm phục anh - người con ưu tú của mảnh đất Quảng Nam anh dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ. Cảm ơn nhà thơ Tố Hữu đã nói hộ tôi, nói hộ bao thế hệ bằng những câu kết trong bài thơ “ Hãy nhớ lấy lời tôi ” đang ngân nga trong lòng:
“ Hãy nhớ lấy lời tôi!
Nguyễn Văn Trỗi
Lời Anh dặn, chúng tôi xin nhớ:
Hãy sống chết quang vinh
Trước kẻ thù không sợ
Vì Tổ quốc hi sinh
Như đời Anh - Người Thợ”
Nguyễn Xuân Tư