Chủ Nhật, 24/11/2024 12:36:59 GMT+7
Lượt xem: 936

Tin đăng lúc 16-10-2020

Người tiêu dùng cẩn thận kẻo mua phải hàng giả gắn mác hàng xách tay

Nghị định 98 được Chính phủ ban hành mới đây quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó nếu kinh doanh hàng xách tay mà không có hóa đơn, không làm thủ tục hải quan thì sẽ bị phạt 200 triệu đồng. Lợi dụng tình hình, lấy cớ thanh lý, xả hàng xách tay để thu hồi vốn, nhiều gian thương đã lợi dụng trộn hàng giả, hàng kém chất lượng khiến người tiêu dùng“khóc dở, mếu dở”.
Người tiêu dùng cẩn thận kẻo mua phải hàng giả gắn mác hàng xách tay

Rất nhiều người đang ưa chuộng hàng xách tay. Điều này cũng dễ hiểu khi họ tin rằng đây là hàng chuẩn do tiếp viên hàng không hoặc người thân của các chủ shop ở nước ngoài gửi về. Giá rẻ hơn hàng nhập khẩu chính hãng do không chịu thuế.

 

Chị Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) là một “tín đồ” chuyên mua hàng xách tay, sau khi thấy đoạn quảng cáo với tiêu đề “nghỉ bán, xả hàng xách tay với giá cực sốc”, chị đã bỏ 2 triệu đồng tiền thật để mua phải một mớ hàng giả.

 

“Gần đây trong nhiều hội nhóm, diễn đàn hàng xách tay xả đồ có giá sản phẩm rẻ hơn 30% so với mọi khi với lý do nghỉ bán do lệnh phạt mới. Thấy vậy, tôi nhẹ dạ cả tin, bỏ ra 2 triệu đồng để mua đồ chủ yếu là sữa rửa mặt, kem dưỡng da, son môi, phấn nước xách tay. Bỏ lọ sữa rửa mặt ra dùng lại thấy có hiện tượng vón cục, sau khi dùng thấy da mặt ngứa đỏ. Thấy hiện tượng lạ, tôi bỏ sản phẩm không dùng nữa và mang đi kiểm tra lại mã vạch. Đúng như tôi dự đoán, đây là hàng nhái. Tôi có gọi cho chủ hàng thì họ chối quanh, không giải quyết và chặn luôn số điện thoại của tôi”, chị Hương buồn rầu nói.

 

Chiêu thức chung của gian thương là chọn nhãn hiệu tương đồng với sản phẩm chính hãng. Tiếp theo là ghi tên thương hiệu nhập nhèm khiến khách tưởng cùng một loại. Và cuối cùng, bước quan trọng nhất là chọn một cái cớ để giảm giá sản phẩm, chào hàng hấp dẫn. Như trong thời gian này, chủ tiệm sẽ đồng loạt tung các chiêu kiểu "thanh lý", "xả hàng xách tay".

 

Muốn mua chiếc máy rửa mặt từ lâu nhưng giá khá chát, thế nên, khi thấy tiểu thương bán giá hời, chị Như Trang (Hà Đông, Hà Nội) sẵn sàng rút ví đặt mua mà không mảy may suy nghĩ. 

 

“Đúng là họ đã đánh vào tâm lý ham rẻ, chủ quan của người tiêu dùng để giăng bẫy. Như máy rửa mặt tôi mua có tên là Foreo thì họ ghi là Foréo khiến tôi lướt qua nhanh không để ý. Nên khi mua rồi, biết bị lừa mà cũng không thể kiến nghị được”.

 

Theo tiết lộ của một người chuyên buôn hàng xách tay có tiếng tại Hà Nội,  tâm lý người Việt là ham rẻ nên cứ có khuyến mại lớn là đổ xô đi mua. Vì thế, nhân cơ hội này, nhiều tiệm tranh thủ trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bán. Bởi họ chỉ cần có cái cớ để thực hiện, nên mua hàng thời gian này phải hết sức cẩn thận. Vì của thật thì ít mà của giả thì nhiều. Vậy nên, trước khi mua đồ, khách nên xem kỹ thông tin, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

 

Nghị định 98/2020 là nghị định thay thế, sửa đổi Nghị định 185/2013, trong đó đáng chú ý chính là việc tăng mức xử phạt với những hành vi này được nâng lên theo hướng tăng nặng, từ mức phạt thấp nhất 200.000 đồng lên 500.000 đồng, mức cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Ngoài ra hàng hóa vi phạm được coi là hàng lậu và bị tịch thu, trong đó, nêu rõ càng loại hàng xách tay được xác định là hàng lậu với các điểm sau:

 

- Thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu.

 

- Không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện.

 

- Không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan theo quy định hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa.

 

- Không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

 

- Không có tem dán vào hàng hóa hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

 

Hoa Nguyễn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang