Có thể nói, chưa bao giờ lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm online lại được nhiều người lựa chọn như hiện nay. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng đảm bảo cung cấp đúng hàng thật, có chất lượng tốt và đúng giá. Trên thị trường đã xuất hiện nhan nhản các shop bán hàng online, cơ sở kinh doanh trái phép cung cấp mỹ phẩm nhái, giả sản phẩm của nhiều thương hiệu uy tín với giá “rẻ bèo”, chỉ bằng một nửa, thậm chí còn rẻ hơn. Kèm theo đó là những bài quảng cáo rất hút khách, lời giới thiệu hấp dẫn cùng hình ảnh chân thực đầy thuyết phục, hoặc thường xuyên tung những tin nhắn phản hồi của khách hàng, để lừa đảo người tiêu dùng, nhằm thu lợi càng nhiều càng tốt. Thậm chí, có nhiều kênh còn sử dụng các hình ảnh và tên tuổi của các thương hiệu uy tín để lừa gạt khách hàng trên nhiều sàn giao dịch với nhiều chiêu khuyến mãi hấp dẫn.
Theo chia sẻ của một số chủ hiệu mỹ phẩm lớn có uy tín tại Hà Nội thì các loại mỹ phẩm bị làm giả chỉ khi nào cầm trên tay, mở sản phẩm ra, thử sản phẩm thì mới biết là mình đang mua là thật hay giả, còn thông qua hình ảnh trên mạng, hay livestream thì không cách gì biết được sản phẩm mình mua có an toàn cho mình hay không. Chưa kể người bán hàng giả toàn dùng hình ảnh thật của các thương hiệu và lập riêng các trang web quảng cáo hàng đình đám như hàng thật.
Do quá bị thu hút với mức giá hấp dẫn và vội vàng tin lời quảng cáo “đường mật” của chủ shop, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm online mà chưa kiểm chứng chất lượng thực sự của nó, đông đảo chị em sẵn sàng đặt mua các sản phẩm này về dùng. Tuy nhiên, những mặt hàng này đều không mang lại hiệu quả như mong muốn và nhiều người trong số đó đã phải rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, hủy hoại nhan sắc.
Là nạn nhân của việc mua mỹ phẩm online kém chất lượng, với khuôn mặt đầy mụn, sần sùi và ửng đỏ, chị Nguyễn Minh Huế (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) buồn bã chia sẻ: “Tôi có mua sản phẩm dưỡng trắng da trên một trang bán hàng online, theo lời người bán hàng thì đây là hàng được nhập khẩu từ Hàn Quốc có tác dụng dưỡng trắng da, trị thâm, nám, kèm theo cả hình ảnh của một diễn viên nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm và được bán với giá rẻ hơn 50% so với giá thị trường. Vì ham rẻ, lại thấy có người nổi tiếng quảng cáo nên nghĩ cửa hàng này này uy tín, nên tôi đã đặt mua về dùng. Ai ngờ, dùng được 1 tuần, da chẳng thấy trắng lên mà lại bị nổi mụn khắp mặt kèm ngứa ngáy và ửng đỏ, kiểm tra mới biết đây là hàng giả, không check được mã vạch của sản phẩm. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa”.
Để đảm bảo lợi ích của bản thân, những khách hàng thường xuyên mua mỹ phẩm online tốt nhất người dùng phải tìm hiểu kỹ lưỡng, cần nằm lòng những cách phân biệt hàng thật - hàng giả. Đồng thời, hãy là những người tiêu dùng thông thái, chỉ mua hàng tại các nhà phân phối mỹ phẩm online uy tín, chính hãng, có địa chỉ rõ ràng và có chính sách đổi trả hàng đầy đủ để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của mình.
Trong tháng 3/2020, Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" với nhiều hoạt động tập trung chủ đề "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử", qua đó hy vọng sẽ xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử. |
Hồng Trường