Ngày 16/6 hằng năm được chọn là “Ngày không tiền mặt”. Đây là ngày khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) để mua sắm, giao dịch thanh toán. Người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Nằm trong chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt” sẽ có “Ngày mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt”. Trong tháng 6/2019, đặc biệt là ngày 16/6, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ… sẽ có nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt.
Hiện đã có nhiều đơn vị xác nhận tham gia hỗ trợ người tiêu dùng trong chương trình này như Napas, Vietcombank, Vinpro, Adayroi, ví điện tử Moca/Grab, Momo, Shopee/Airpay, Lazada, Tiki, Vpbank…
Khảo sát của NHNN 3 tháng đầu năm 2019 cho thấy, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018).
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTKDTM liên tục được mở rộng. Cuối năm 2018, cả nước có 18.587 ATM, 243.123 máy POS, phần lớn được lắp đặt tại các điểm bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa lớn, nhà hàng, khách sạn… và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích.
Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt khoảng 229,2 triệu lượt với tổng giá trị giao dịch khoảng 592.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có khoảng 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet payment) và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment).
Trong năm 2018, thanh toán qua Internet có tốc độ tăng trưởng 33,6% về số món và 19,5% về số tiền so với năm 2017. Thanh toán qua điện thoại di động còn đặt mức tăng trưởng ấn tượng hơn, tăng 41,4% về số món và 169,5% về số tiền so với năm 2017.
Theo ông Dũng, xu hướng thanh toán trên thế giới hiện nay là trên điện thoại thông minh và trên thẻ. Tốc độ tăng trưởng trên thẻ không bằng trên điện thoại. Với phương thức thanh toán bằng thẻ thì hiện nay chưa có gì thay thế nhưng thanh toán trên điện thoại thông minh sẽ là xu hướng chủ đạo. Cả hai phương thức thanh toán này ở Việt Nam đều đang phát triển.
Quy định hiện nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và công ty tài chính mới được phép phát hành thẻ thanh toán. Về thanh toán, hiện cả nước có 29 đơn vị được cấp phép cổng thanh toán và hỗ trợ thu hộ - chi hộ. Với các dịch vụ này, các ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng sử dụng thanh toán thẻ thông qua các cổng thanh toán này.
Về việc tuyên truyền TTKDTM đến người dân, bà Lê Thị Thúy Sen, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết tùy vào đối tượng cũng như phân khúc khách hàng mà NHNN sẽ có phương án tuyên truyền phù hợp.
“Với những người dân ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi có kế hoạch truyền tải thông điệp TTKDTM như quy trình thủ tục, cách thức triển khai, điều kiện thực hiện, giao dịch qua mobile banking hay internet banking. Ngoài ra, Vụ truyền thông còn đề xuất NHNN phối hợp với các đoàn thể như Đoàn TNCS, Hội liên hiệp phụ nữ, Mặt trận tổ quốc ở các địa phường để truyền tải thông tin sâu rộng”, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ.
Theo infonet.vn