Thứ Sáu, 22/11/2024 11:50:41 GMT+7
Lượt xem: 4611

Tin đăng lúc 21-07-2015

Người tiêu dùng: Hãy tự cứu lấy mình trước khi cơ quan chức năng đến cứu

Hiện nay, tình trạng hàng giả xuất xứ đang có chiều hướng gia tăng. Hàng mang nhãn mác Trung Quốc nhưng khi vào được thị trường lại là hàng Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vấn đề buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu đang diễn ra phức tạp tại các cửa khẩu và trên thị trường nội địa, các đối tượng ngày càng có những hành vi gian lận tinh vi hơn, nhằm qua mắt các lực lượng chức năng.
Người tiêu dùng: Hãy tự cứu lấy mình trước khi cơ quan chức năng đến cứu
Ảnh minh họa

 

Mới đây nhiều phương tiện thông tin đại chúng đề cập liên tục tới việc 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu vào Việt Nam rồi bỗng nhiên “biến mất”, trong khi các cơ quan chức năng “phân bua” trách nhiệm, thì người dân đang phải tự chịu trách nhiệm về sức khỏe, do toàn bộ số thịt trâu giá rẻ đã được “phù phép” thành thịt bò và tuồn vào bữa ăn của hàng triệu gia đình?

 

Có lẽ, hàng ngàn người dân TP.HCM và Hà Nội sẽ chẳng thể nào quên được “cú lừa thế kỷ” mang tên thịt bò Kobe đã xảy ra 4 năm về trước. Khi đó, người dân ở hai thành phố lớn hồ hởi đi thưởng thức thịt bò chất lượng siêu cao giá 5 triệu đồng/kg. Đây là thực phẩm được nhập từ đất nước mặt trời mọc. Ngày đó, ăn thịt bò Kobe trở thành một trào lưu của giới nhà giàu. Sự việc chỉ vỡ lở khi Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) trong một buổi họp báo đã hé lộ thông tin chưa từng cấp phép cho đơn vị nào kiểm dịch thịt bò từ Nhật Bản về Việt Nam. Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định rằng, các chứng thư nhập khẩu thịt bò Kobe vào Việt Nam có dấu của cơ quan chức năng đều là đồ giả mạo. Nhiều người tiêu dùng sững sờ nhận ra rằng, mình đã bỏ cả đống tiền để ăn món “thịt lừa” giá khủng. Khi cơ quan chức năng ra lệnh cấm, các cửa hàng dừng kinh doanh, câu trả lời vẫn bỏ ngỏ thì người dân mới thấm thía cái chân lý tự mình phải bảo vệ mình.

 

Đầu năm 2014, việc cơ quan chức năng bóc mẽ một doanh nghiệp “phù phép” 47 tấn thịt trâu nhập khẩu thành thịt bò tại Hà Nội cũng khiến dư luận phẫn nộ. Để trục lợi về giá, doanh nghiệp này đã tự ý in nhãn phụ tiếng Việt biến thịt trâu thành thịt bò rồi dán vào sản phẩm, thậm chí còn chỉnh sửa cả giấy chứng nhận kiểm dịch từ thịt trâu sang... thịt bò. Số lượng 47 tấn là con số bị bắt tại trận của doanh nghiệp này. Ai có thể cân, đo, đong đếm được từ trước đó doanh nghiệp này đã đưa ra thị trường bao nhiêu tấn “trâu đội lốt bò” và bao nhiêu người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này. Bị lừa tiền là một chuyện, nhưng chế độ bảo quản của thịt trâu và bò hoàn toàn khác nhau. Ai biết được rằng, nhiều người sẽ ảnh hưởng về sức khỏe như thế nào khi thực phẩm bảo quản không đúng quy định. Nhưng câu chuyện bò Kobe nhái hay 47 tấn thịt bò giả ở Hà Nội chỉ là một “con sâu” so với 26.000 tấn thịt trâu Ấn Độ biến mất một cách bí hiểm sau khi đi qua cửa khẩu vào Việt Nam. Mới đây, đại diện Tổng cục Hải quan tại buổi tọa đàm trực tuyến về chống hàng giả cho biết, một số lượng khủng thịt trâu từ Ấn Độ đã nhập vào Việt Nam qua tờ khai hải quan. Tuy nhiên, trên thị trường từ đại lý, đến siêu thị không thấy bóng dáng của số thịt trâu này. Dư luận bức xúc, 26.000 tấn thịt không phải là cây kim hay sợi chỉ có thể “tàng hình” một cách khó hiểu đến vậy?

 

Theo nhiều chuyên gia từng làm việc trong ngành Hải quan, việc phân biệt giữa thịt trâu và thịt bò rất quan trọng, bởi hai loại thực phẩm này khác nhau về giấy phép kinh doanh, thành phần chất lượng. Qua khảo sát một số chợ đầu mối tại Hà Nội, có thể nhận thấy rằng thịt bắp trâu có giá từ 120-130.000 đồng/kg, trong khi đó thịt bò có giá dao động 200-230.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá trâu nhập khẩu ở Ấn Độ về Việt Nam chỉ khoảng 40.000 đồng/kg (1.940 USD/tấn, tương đương với 40.000 đồng/kg). Câu hỏi được đặt ra, với 26.000 tấn thịt trâu biến thành thịt bò thì các đối tượng kinh doanh đã kiếm được bao nhiêu ngàn tỉ đồng từ phi vụ gian dối này?

Tạm chưa bàn về đường đi cũng như nghi vấn 26.000 tấn thịt trâu Ấn Độ bị biến thành thịt bò, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để xảy ra việc số lượng thực phẩm kia biến mất. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Tổng cục Hải quan đặt câu hỏi, tại sao năm 2014 phát hiện và xử lý 17.000 vụ vi phạm về hàng giả mà chỉ có 11 vụ chuyển cho Cơ quan điều tra xử lý hình sự. Vì sao ở Việt Nam có tới 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ, nhưng thị trường không hề bán thịt trâu nhập khẩu? Thịt trâu đã “đội lốt” thịt bò để bán cho người dân theo kiểu thịt trâu, giá bò. Vậy lực lượng quản lý thị trường đã làm gì?

 

 

Trước câu hỏi của đại diện Tổng cục Hải quan, đại diện Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết: “Việc nhập thịt trâu và kinh doanh thịt trâu không sai. Vấn đề là tiêu thụ. Chúng tôi đã cảnh báo cho người tiêu dùng biết hiện có 26.000 tấn thịt trâu nhập về hàng năm và bị bán dưới dạng thịt bò, nhưng khi chúng tôi cuống chợ khảo sát thì chẳng thấy ai phản ánh gì việc bị lừa mua thịt trâu”. Rõ ràng, từ trước đến nay, không chỉ vụ thịt bò Kobe nhái, hay 26.000 tấn thịt trâu mất tích mà trong rất nhiều vụ việc khác, các cơ quan hữu quan đều lên tiếng khẳng định mình vô can. Khi chẳng ai chịu trách nhiệm, sự việc cứ thế chìm xuồng theo kiểu “hòa cả làng” và cuối cùng, người dân lãnh đủ mà không biết kêu ai.

 

Có thể thấy, quyền lợi của người tiêu dùng đã bị xâm phạm trên rất nhiều lĩnh vực, bằng nhiều hình thức rất tinh vi. Thế nhưng, cơ quan quản lý lại nặng về khuyến cáo. Chẳng hạn, Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến cáo người dân “hãy là người tiêu dùng thông thái” bằng cách: Tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi quyết định mua; lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ rang; kiểm tra sản phẩm trước khi tiếp nhận; lấy đầy đủ hóa đơn chứng từ, hướng dẫn sử dụng và chứng nhận bảo hành (nếu có); thông tin đến cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm không an toàn, có hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, trong trường hợp mua bán qua mạng, qua điện thoại thì phải yêu cầu doanh nghiệp giới thiệu tên, địa điểm kinh doanh, số điện thoại và các thông tin liên quan đến hàng hóa…, để có cơ sở cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý trong trường hợp quyền người tiêu dùng bị xâm phạm.

Hiện nay, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền người tiêu dùng ở nước ta đã tương đối hoàn chỉnh, bằng sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng hàng hóa, các văn bản pháp luật liên quan khác và sự thành lập của 51 Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở các địa phương trên cả nước.

 

Tuy nhiên, dù đã có luật, nhưng trên thực tế các trường hợp người tiêu dùng khiếu kiện và thu được kết quả còn rất khiêm tốn. Theo các luật sư, rất khó để thực thi các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi đa số các quy định rất chung chung, chưa đưa ra các biện pháp chế tài cụ thể, khó có căn cứ để xác định mức độ thiệt hại và căn cứ để xử phạt. Do đó, người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm quyền lợi mà ít ai nghĩ đến chuyện khiếu nại để bảo vệ quyền của mình. Và cũng vì thế, chưa đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm.

 

Thôi đành vậy! Người tiêu dùng hãy tự cứu lấy mình trước khi cơ quan chức năng đến cứu!

                                                                                                                                                                                   Xuân Lê

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang