Thứ Năm, 21/11/2024 19:46:17 GMT+7
Lượt xem: 447

Tin đăng lúc 18-06-2024

Người tiêu dùng ngày càng ‘bạo tay’ mua hàng giá trị cao trên Shopee, Lazada, TikTok

Doanh số bán sản phẩm giá trị cao trên các nền tảng thương mại điện tử ngày càng tăng, cho thấy xu hướng mới trong thói quen tiêu dùng của người Việt.
Người tiêu dùng ngày càng ‘bạo tay’ mua hàng giá trị cao trên Shopee, Lazada, TikTok
Metric đánh giá sự phát triển của ngành hàng Điện gia dụng là "thần tốc" với mức doanh số tăng trưởng 146,8%.

Tháng 5 vừa qua, doanh số bán điện thoại iPhone trên TikTok Shop đạt 84,8 tỷ đồng, tăng 307% so với tháng trước đó. Theo thống kê của YouNet ECI (đơn vị nghiên cứu và tư vấn tăng trưởng trên sàn thương mại điện tử), gần 3.000 chiếc điện thoại iPhone đã được bán ra từ các gian hàng của FPT Shop, Viettelstore và Di Động Việt trong tháng 5. Ba gian hàng này chiếm 86,7% tổng thị phần iPhone bán ra trên TikTok Shop.

 

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy người Việt sẵn sàng chi tiền để mua những mặt hàng giá trị cao trên nền tảng thương mại điện tử.

 

Báo cáo về hành vi người tiêu dùng thương mại điện tử năm 2023 do YouNet ECI và Buzzmetrics thực hiện cho biết, trong giai đoạn 2022 – 2023 giá trị trung bình mỗi đơn hàng tại Việt Nam đã tăng 10,5%.

 

Điện thoại di động là một trong những ngành hàng tiêu biểu. Vào tháng 9/2023, doanh số smartphone trên thương mại điện tử Việt Nam đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng/tháng. Đơn vị nghiên cứu cho biết, số tiền người Việt Nam đang chi để mua các sản phẩm điện thoại di động trên sàn thương mại điện tử không ngừng tăng qua từng tháng. Trong quý IV/2023, giá trị một chiếc điện thoại bán ra trên thương mại điện tử đạt trung bình 15 triệu đồng/sản phẩm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

 

Tính riêng Apple, tháng 10/2023 - thời điểm mở bán iPhone 15, dòng điện thoại đắt tiền nhất iPhone 15 Pro Max là sản phẩm có doanh thu cao nhất trên các sàn thương mại điện tử trong suốt 12 tuần liên tục.

 

Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những ngành hàng có giá trị cao như điện thoại, đồ gia dụng đang ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu trên các sàn thương mại điện tử và trở thành động lực to lớn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.

 

Theo YouNet ECI, hai ngành hàng là Công nghệ và Điện gia dụng đã tăng trưởng hơn 100% trên thương mại điện tử trong 6 tháng cuối năm 2023, lọt top 5 ngành hàng lớn nhất trên các sàn thương mại điện tử.

 

Dữ liệu tổng quan thị trường sàn bán lẻ trực tuyến Việt Nam quý I/2024 của Metric (nền tảng số liệu thương mại điện tử) cũng cho thấy sự phát triển thần tốc của ngành hàng Điện gia dụng, với mức doanh số tăng trưởng 146,8% và sản lượng bán tăng gần 370%. Top đầu những sản phẩm bán chạy đều có mức giá cao điển hình như máy chiếu, robot hút bụi...

 

“Điều này cho thấy người tiêu dùng đã không còn ngại mua sắm những mặt hàng có giá trị trên sàn online nếu nhà bán hàng chứng minh được uy tín và chất lượng sản phẩm”, báo cáo nêu.

 

Q&Me (công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam) đã so sánh giữa giai đoạn tháng 5/2022 - 4/2023 và tháng 5/2023 - 4/2024 và ghi nhận kết quả sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm ngành giá trị cao. Theo đó, Thiết bị gia dụng, Điện thoại & máy tính bảng đều tăng trưởng ở mức 64%, Máy tính, máy tính xách tay & văn phòng tăng trưởng 59%, Đồng hồ và trang sức tăng trưởng 52%, Thiết bị điện tử và trò chơi tăng trưởng 62%.

 

Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích Thị trường của YouNet ECI nhận định, người tiêu dùng Việt Nam có sự tin tưởng ngày càng lớn đối với thương mại điện tử và đã sẵn sàng mua sắm các mặt hàng giá trị cao thông qua kênh này: “Thương mại điện tử hiện nay không chỉ là sân chơi của những mặt hàng giá rẻ. Người tiêu dùng đã thoải mái hơn trong chi tiêu cho những sản phẩm giá trị cao trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt khi có sự thúc đẩy của Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí)”.

 

Chứng khoán Rồng Việt trong báo cáo mới đây về các công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ ICT&CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) cũng đánh giá người tiêu dùng không còn ngại mua những mặt hàng có giá trị trên thương mại điện tử nếu đảm bảo chất lượng, số lượng. Điều này đang gây tổn hại cho các nhà bán lẻ chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cửa hàng vật lý như Thế giới di động, FPT Shop. Mặc dù họ bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang phụ thuộc nhiều hơn vào online nhưng vẫn khó vượt qua các nền tảng thương mại điện tử.

 

Theo các chuyên gia, đi cùng với xu hướng chi tiêu thì yêu cầu của người tiêu dùng đối với chất lượng dịch vụ bán hàng và hậu mãi cũng sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến phản hồi khách hàng, có chính sách hậu mãi, bảo hành tốt, cũng như nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang