Nhộn nhịp các làng đào, quất, hoa
Những ngày này, người dân làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ) đang hối hả với những công đoạn cuối cùng là tuốt lá, chăm sóc đào để chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ông Nguyễn Văn Chung ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho biết: "Hiện nay, trong vườn của gia đình có 350 gốc đào thế thì đã có 250 gốc đào được các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận đến thuê. Còn lại 100 gốc đào, gia đình sẽ bán cho người dân chơi Tết. Năm nay, giá đào cơ bản vẫn giữ ổn định như các năm trước, bởi hiện nay nhiều địa phương cũng trồng đào. Còn các loại đào thế, đa phần các chủ vườn ở làng đào Nhật Tân đều cho khách thuê và rất ít bán".
Tại làng quất Tứ Liên (quận Tây Hồ), chúng tôi cũng bắt gặp một không khí rất sôi động. Thời điểm này, những nông dân ở đây đã bắt tay vào việc tạo ra những thế cây độc lạ chuẩn bị cho vụ quất Tết Nguyên đán. Theo ông Nguyễn Văn Hưng - chủ một vườn quất tại phường Tứ Liên, hiện người dân các vùng trồng quất tập trung cho việc chăm sóc, tưới nước để quả to và chín vàng vào đúng dịp Tết. Năm nay, Tết Nguyên đán gần với Tết Dương lịch hơn nên nỗi lo về quất chín sớm sẽ vơi đi… Ông Hưng dự đoán, giá quất Tết này sẽ tương đương những năm trước và quất trong bình gốm sứ vẫn thu hút được người tiêu dùng.
Tất bật không kém là những người trồng hoa, đặc biệt là hoa cúc, hoa ly. Ông Nguyễn Văn Phong ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Để có hoa phục vụ ngày Tết, người dân phải chuẩn bị mầm hoa, ươm từ cây mẹ từ vụ trước. Riêng với hoa cúc không được thiếu nước và tránh tuyệt đối sương muối. Cây cao khoảng 25cm đã phải chăng lưới định hình để cây mọc thẳng. Khi cây ra nụ thì vặt bỏ những nụ kẹ, để lại một nụ chính. Sau nhiều năm thời tiết thất thường, người dân ở Tây Tựu đã chia ruộng thành nhiều giai đoạn gieo trồng để vào dịp Tết, vườn lúc nào cũng có hoa".
"Nghe ngóng" thời tiết, giá cả thị trường
Thời tiết năm nay rét muộn, người dân trồng đào tuốt lá muộn hơn mọi năm từ 7 đến 10 ngày.
Người trồng đào, quất, hoa miệt mài khuya sớm, nhưng để có một mùa bội thu thì gần như phụ thuộc vào thời tiết. Ông Bùi Văn Nguồn - một hộ trồng đào ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) cho hay: “Nếu mùa đông ấm, hoa nở sớm coi như mất mùa. Vài năm gần đây, những ngày gần Tết, trời thường nắng ấm, nên chúng tôi vừa chăm sóc, vừa phải nghe ngóng thời tiết để có cách điều chỉnh sao cho hoa nở đúng dịp Tết và ít bị thiệt hại”.
Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thành Đô thông tin, huyện thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn người dân trồng theo đúng khung thời vụ, cũng như cách thức chăm sóc cho từng loại hoa. Huyện cũng đầu tư cơ sở hạ tầng ở các vùng trồng hoa tập trung như xã Mê Linh, Đại Thịnh, Kim Hoa... để người dân đưa nước, điện vào phục vụ sản xuất, xây dựng nhà sơ chế bảo quản hoa phục vụ ngày Tết.
Một vấn đề khác mà nhiều người trồng hoa đang lo lắng là thị hiếu của người chơi hoa. Ông Đỗ Huy Nghĩa ở xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ) nhận định, hiện nay, thị hiếu của người chơi hoa vào dịp Tết không còn bó hẹp ở các loại hoa truyền thống như: Quất, đào, hồng... và cũng rất khó đoán định. Ví dụ, Tết năm trước hoa ly có giá nhưng năm nay có khi hồng thế trong chậu lại được nhiều người ưa thích… Vì vậy, người trồng hoa phải nhạy bén tìm hiểu nhu cầu của thị trường qua các kênh mua sắm online (trực tuyến) hoặc khi thương lái vào vườn thu mua để thay đổi cho phù hợp, mang lại lợi nhuận cao nhất.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, diện tích sản xuất hoa trên địa bàn thành phố hiện nay là hơn 5.470ha. Trong đó, hoa hồng chiếm 33,33%; hoa cúc 17%; hoa đào 8,15%... Đặc biệt, diện tích trồng hoa lan, ly tăng nhanh, chiếm 5,14%. Với kinh nghiệm chăm sóc hoa có từ nhiều năm, không ít hộ dân đã chuyển sang trồng hoa theo hướng chất lượng cao nên giá trị thu nhập cũng tăng mạnh. Hiện các vùng trồng hoa tập trung cho giá trị thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Đại, trồng hoa phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Để có mùa hoa bội thu, các địa phương quy hoạch vùng sản xuất hoa tập trung đưa công nghệ cao, nhà kính, nhà lưới vào sản xuất với quy mô lớn, nhằm hạn chế bất lợi về thời tiết. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ người dân tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu các loại hoa đặc trưng. Qua đó, người trồng hoa có thể nắm bắt được xu thế tiêu dùng, có những định hướng về sản xuất hoa phù hợp với thị trường.
Hy vọng rằng từ nay đến Tết Nguyên đán thời tiết sẽ thuận lợi, đem lại cho người trồng hoa một cái Tết ấm no và sung túc.
Trung bình hằng năm, Hà Nội cung ứng cho thị trường hơn 1.000 triệu cành hoa; 0,8-1 triệu chậu hoa và 1-1,2 triệu cây cảnh các loại. Sản lượng hoa chất lượng cao tăng nhanh, cung cấp cho thị trường từ 200 đến 250 triệu cành/năm, đáp ứng được nhu cầu của người dân Hà Nội và một số khu vực lân cận. |
Theo Báo Hà Nội Mới