Nếu trước đây hiếm hoi lắm mới có ca loạn thần do rượu nhập viện thì gần đây, mỗi năm bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận khoảng 500 ca bệnh loạn thần do rượu.
Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: Giới hạn sử dụng rượu an toàn là nam giới uống không quá 3 đơn vị rượu/ngày (mỗi đơn vị là 40cc), nữ giới không quá 2 đơn vị. Đặc biệt mỗi tuần phải có ít nhất hai ngày... nghỉ uống, không dính dáng gì tới rượu.
Trong khi đó, người Việt đạt kỷ lục uống bia rượu so với thế giới. Báo cáo các ngành công nghiệp của Bộ Công Thương mới đây cho biết, sản xuất bia của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 đạt 1,005 tỷ lít, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 4/2016, sản lượng ước đạt 206 triệu lít, bằng với cùng kỳ. Phần lớn bia được tiêu thụ tại Việt Nam đều được sản xuất trong nước, sản phẩm nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với 2010.
Trong đó, riêng Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đạt 1,5 tỷ lít, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác. Theo đánh giá, Việt Nam nằm trong top các quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới.
Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt thế giới với mức tiêu thụ rượu bia lên đến 7 lít/người/năm.
Theo các chuyên gia đánh giá: Mức sử dụng rượu bia bình quân đầu người của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Đặc biệt, mức tiêu thụ trung bình một năm của nam giới là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu. Gần một nửa nam giới Việt Nam có sử dụng rượu bia. Trong khi các nước khác tiêu thụ chủ yếu là rượu bia chính thống (do các nhà máy sản xuất), Việt Nam thì ngược lại.
“Trong bối cảnh nhà nước đang cần ngoại tệ để đầu tư cho phát triển kinh tế thì chúng ta lại đổ 3 tỉ USD cho việc uống bia, rượu… điều này đúng như người ta bảo: nhà nghèo mà lại xài sang… Với số tiền 3 tỉ USD chi cho bia, rượu, người Việt đủ mua hàng nghìn ngôi nhà ở xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho xã hội” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã từng lên tiếng cảnh báo.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nói: “Chẳng đáng tự hào gì khi người Việt tiêu thụ bia nhiều nhất trong khu vực. Nhất là trong điều kiện Việt Nam là một nước nghèo, thu nhập thấp, chắt chiu nhiều, vẫn phải ngửa tay đi xin viện trợ và còn nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo cần phải làm trong nước”.
Theo thống kê của các Sở Y tế trên cả nước, chỉ trong 8 ngày Tết năm vừa rồi, cả nước có hơn 5.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 13 người tử vong. Nguyên nhân của rất nhiều vụ đánh nhau ngày Tết là do say rượu bia.
Chưa kể tới việc, rượu là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ ung thư đang gia tăng chóng mặt tại Việt Nam,
Hiện nay, Việt Nam ước tính có 125 nghìn ca ung thư mới mắc thêm mỗi năm (chưa kể các ca bệnh cũ) trong đó có 94 nghìn ca chết mỗi năm. So với tai nạn giao thông mỗi năm có khoảng 11 – 12 nghìn ca tử vong thì bệnh ung thư gấp 8 - 9 lần so với tai nạn giao thông.
Theo dự đoán từ Bệnh viện K trung ương, tại Việt Nam, đến năm 2020 có thể có 189 nghìn ca mới mắc – con số này khiến nhiều người phải giật mình lo ngại.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng: Nguyên nhân gây ung thư có 1/3 đến từ lý do ăn uống, trong đó, tình trạng uống rượu bia nhiều ở Việt Nam đang ở ngưỡng báo động nghiêm trọng.
TS BS Nguyễn Tiến Quang – Phó trưởng khoa điều trị theo yêu cầu Bệnh viện K trung ương đã chỉ ra 7 loại ung thư có tác nhân do rượu, đó là ung thư khoang miệng, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư hạ họng thanh quản.
Ung thư gan là một trong 7 loại ung thư gây ra do bia rượu. Ảnh minh họa: Internet.
Đối với nam giới, các bệnh ung thư do bia rượu như dạ dày, gan, thực quản, trực tràng chỉ đứng sau ung thư phổi.
Cứ 100 nghìn dân có 24,6 nam giới mắc ung thư dạ dày; 23,4 nam giới ung thư gan; 19 nam giới bị ung thư đại trực tràng.
Ở nữ giới, ung thư do bia rượu mang lại có ung thư vú với 12500 ca mới mắc mỗi nưm, tính trong 100 nghìn dân có 30 phụ nữ ung thư vú. Đứng thứ hai là ung thư đại tràng, 100 nghìn dân có 14,7 nữ giới bị ung thư này.
TS Quang cảnh báo, bệnh ung thư vú và đại tràng ở nữ giới, tỷ lệ tử vong vẫn rất cao bởi đa số người dân đến khám ở giai đoạn muộn.
Với các bệnh ung thư do bia rượu mang đến, theo thông tin từ TS Quang, gánh nặng trực tiếp lên đến 25.768 tỷ đồng, trong đó chi phí từ hộ gia đình là 48%, chi phí chính phủ 28%, chi phí BHYT 25%.
Với những con số đáng báo động trên, TS Quang cho biết đã đến lúc cảnh báo ảnh hưởng của bia rượu tới cộng đồng để giảm gánh nặng bệnh ung thư cho xã hội cũng như cho chính gia đình người bệnh.
Nguồn VietQ