Để chuẩn bị hàng hóa cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2018, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố cũng như kế hoạch triển khai phục vụ Tết Dương lịch và Tết Kỷ Hợi 2019.
Theo đó, nhóm hàng hoá cần sản xuất - kinh doanh phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố là các mặt hàng dự báo có nhu cầu tiêu dùng tăng cao như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, rau củ tươi, thuỷ hải sản; các mặt hàng nông lâm sản khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương; các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; mặt hàng hoa quả tươi, cây cảnh, xăng dầu và hàng may mặc, điện máy. Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2019 (tính cho 2 tháng) gồm: gạo 190.600 tấn, thịt lợn 44.000 tấn, thịt gà 14.600 tấn, thịt bò hơn 12.306 tấn, trứng gia cầm 256 triệu quả; rau củ hơn 254.400 tấn, thủy hải sản 11.200 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2019 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018. Nguồn hàng sẽ được phân bổ vào các kênh sản xuất, phân phối gồm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; doanh nghiệp phân phối, kinh doanh thương mại và các chợ trên địa bàn Thành phố.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Thành phố cũng định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa tăng từ 10-15% so với các tháng trong năm để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau Tết.
Hiện, Sở Công Thương đã tích cực tham mưu, chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đến nay, đã có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình; đưa hàng hóa bình ổn tới 10.428 điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Các điểm bán hàng bình ổn thuộc doanh nghiệp bình ổn thực hiện treo biển nhận diện theo mẫu quy định. Hiện có 3 tổ chức tín dụng đăng ký cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện bình ổn giá với số vốn 2,7 nghìn tỷ đồng.
Để bảo đảm công tác hỗ trợ tạo nguồn hàng, cân đối cung cầu hàng hóa, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững năm 2018; tổ chức các đoàn doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động xúc tiến, tiệu thụ nông sản tại Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn… thông qua đó các doanh nghiệp Hà Nội đã ký kết trên 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác, đẩy mạnh kết nối và tiêu thụ sản phẩm…
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu và chương trình dự trữ hàng hóa; Chỉ đạo tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, hệ thống cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn…
Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, công tác bình ổn thị trường năm 2017 và phục vụ Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 được các doanh nghiệp tích cực tham gia, hàng hóa dự trữ đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Nguồn Enternews