Thứ Bẩy, 23/11/2024 09:47:53 GMT+7
Lượt xem: 366

Tin đăng lúc 05-11-2023

Nguồn cung giảm đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh

Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang tăng mạnh, lên mức 653 USD/tấn, cao nhất trong 15 năm qua. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng khó thu gom gạo phục vụ các đơn hàng cuối năm, bởi nguồn cung trong nước đã cạn.
Nguồn cung giảm đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong 15 năm qua.

Nguồn cung lúa gạo giảm mạnh

 

Theo các thương nhân xuất khẩu gạo, từ tháng 10.2023, giá gạo trong nước tăng mạnh do nhu cầu mua nhập khẩu của nhiều nước tăng trong khi nguồn cung trong nước hạn chế. Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quang Hòa - CEO Dương Vũ Rice - cho hay: Hiện tại, các thương nhân rất khó thu gom lúa gạo do vụ hè thu đã được các thương lái “vét” cạn nguồn, vụ lúa thu đông chưa có nhiều. Nguồn cung khan hiếm đã khiến giá lúa tăng cao, thậm chí nhiều thương nhân phải xuống cọc để giữ khi lúa chưa chín. Nhiều thương nhân phải quay sang thu gom các mặt hàng khác để xuất khẩu vì 2 tuần nay không thể gom thêm lúa gạo.

 

“Tôi đang chuyển sang thu gom khoai lang để xuất khẩu, vì hiện tại nguồn cung lúa gạo hầu như không có” - ông Nguyễn Quang Hòa nói.

 

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Giám đốc Công ty CP XNK Ngọc Quang Phát - cũng cho hay, mặc dù giá lúa thu mua đã tăng cao trở lại, nhưng rất khó tìm được nguồn hàng, sản lượng thu gom giảm 2-3 lần so với trước đó. Nếu như cách đây 1 tháng mỗi ngày bà Huyền có thể thu mua 1.000 tấn thóc thì nay chỉ có thể mua được từ 100-200 tấn.

 

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam từ các nước liên tiếp tăng cao trong vài năm gần đây, do chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng vượt trội, được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.

 

Ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty GLE - cho biết, hơn 1 tuần nay DN của ông không thể thu mua lúa do vụ thu hoạch thu đông đã vào giai đoạn kết thúc, lượng lúa trong dân giảm dần đẩy giá thóc tăng cao.

 

Thông thường trước đây, khi nguồn cung ở Việt Nam giảm, thương nhân sẽ mua gạo từ Campuchia về để bổ sung vào nguồn hàng để XK, tuy nhiên, hiện tại giá gạo tại Campuchia đang cao hơn giá gạo tại Việt Nam, nên gạo các thương nhân của Campuchia đang tích trữ, không bán gạo về Việt Nam.

 

“Hiện tại số liệu chưa cập nhật, nhưng tính ra Việt Nam cũng đã XK khoảng 7 triệu tấn gạo rồi. Nguồn cung đã cạn, DN chúng tôi hiện đang không thu gom được lúa gạo, nên không dám ký hợp đồng mới cho 2 tháng cuối năm và những tháng đầu của năm 2024” - ông Nguyễn Quang Hòa nói thêm.

 

Sản lượng giảm gây áp lực lên giá gạo

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), các nước sẽ còn được “hưởng lợi” về giá gạo nếu Ấn Độ tiếp tục duy trì lệnh cấm XK gạo trắng.

 

Bên cạnh đó, nguồn cung gạo để phục vụ nhu cầu nội tại của Indonesia có thể giảm 2% xuống còn 30,9 triệu tấn.

 

Còn theo ông Vũ Tuấn Anh, hiện tại, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tìm các giải pháp để tăng năng suất lúa để tăng cường dự trữ gạo, đồng thời tăng nhập khẩu gạo từ các nước đối tác với tổng lượng khoảng 2 triệu tấn. Trong đó, khoảng 600.000 tấn gạo chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam dự kiến, sẽ đến Indonesia vào cuối năm nay.

 

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - cũng dự báo, động thái cấm XK gạo của Ấn Độ sẽ tạo cơ hội để giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ ở mức cao, rất khó dưới mức 650USD/tấn.

 

Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, sau khi tăng 10USD/tấn ở phiên gần đây nhất, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ngày 3.11.2023 ở mức 653USD/tấn (gạo 5% tấm), 638USD/tấn (gạo 25% tấm). Hiện tại, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 93USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 90USD/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 118USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 118USD/tấn.

 

Trước câu hỏi nguồn cung gạo tại thị trường Việt Nam đang giảm mạnh có khiến giá gạo 5% tấm của chạm “đỉnh” 700USD/tấn, các thương nhân đều cho rằng, rất khó XK gạo với mức giá này.

 

“Với giá 700USD/tấn, các DN nhập khẩu của các nước sẽ không chịu được mức giá này, nên không dám thu mua. Mua gạo giá cao rất nguy hiểm, bởi có thể sẽ lâm cảnh mua giá cao nhưng bán dưới giá thu vào, không DN nào dám mạo hiểm vì có thể thua lỗ” - ông Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh.

 

 

Theo Lao động

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang