Nguồn cung dồi dào, không thiếu thực phẩm phục vụ Tết
Trao đổi với PV Lao Động chiều 22.12.2021, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) cho biết: Tất cả nguồn cung thực phẩm bao gồm thịt lợn, thịt gia cầm, thủy sản năm 2021 đều tăng so với năm 2020, trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm và dự báo Tết Nguyên đán 2022 có xu hướng giảm, do đó nguồn cung hiện nay đang rất rồi dào, thậm chí dư thừa.
“Ước tính đến thời điểm này, tổng đàn lợn trên cả nước là 28,1 triệu con, tổng đàn gia cầm là 523 triệu con, tổng đàn trâu là 2,3 triệu con, tổng đàn bò là 6,3 triệu con; tổng lượng thịt các loại cung ứng ra thị trường là 6,2 triệu tấn. Ngoài ra, còn 16,7 tỉ quả trứng, 1,3 triệu lít sữa, sản lượng thủy sản năm 2021 đều tăng hơn so với năm 2021 nên không lo thiếu nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết” – ông Dương Tất Thắng khẳng định.
Nguồn cung thực phẩm dồi dào. Ảnh: Vũ Long
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc - miền Trung, nhấn mạnh: “Cách đây 2-3 tháng, tôi đã khẳng định, Tết này người dân gói bánh chưng “thịt nhiều hơn nếp” ý muốn nhấn mạnh nguồn cung dư thừa của thịt lợn. Thực tế diễn ra đúng như vậy, việc tái đàn quá mạnh trong khi nhu cầu mua giảm sút, nên giá lợn giảm mạnh là phản ánh đúng thực tế thị trường”.
Ông Thành cũng cho rằng, giá lợn hơi trong dịp Tết Nguyên đán có thể tăng nhẹ, nhưng không có chuyện tăng bất thường như các Tết trước đây.
Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), mỗi năm, Việt Nam sản xuất được 18 triệu tấn rau, ngoài phục vụ nhu cầu nội địa (14 triệu tấn), còn lại dư 4 triệu tấn để xuất khẩu và bù tổn thất sau thu hoạch.
“Ngoại trừ các nguyên nhân thiên tai, dịch bệnh bất thường, Việt Nam chưa bao giờ thiếu rau củ dịp Tết. Do đó, không sợ thiếu nguồn cung rau củ trong dịp Tết Nguyên đán 2022” – ông Nguyễn Như Cường nói.
Khảo sát của PV tại các chợ dân sinh và các siêu thị trong những ngày áp Tết Dương lịch cho thấy, lượng hàng về chợ và các siêu thị rất dồi dào, giá ổn định, thậm thí một số mặt hàng có chiều hướng giảm giá như thịt gia súc, gia cầm. Các loại rau củ cũng dồi dào và bắt đầu "hạ nhiệt" từ hơn 1 tuần nay.
Giá lợn hơi "lao dốc", không trái quy luật thị trường
Mặc dù giá lợn hơi liên tục giảm trong những ngày cuối cùng của năm 2021, người chăn nuôi lợn không vui, nhưng không coi đây là hiện tượng bất thường.
“Chỉ có thể đánh giá là hiện tượng bất thường khi giá nguồn cung thiếu mà giá lại giảm. Còn nguồn cung dồi dào, sức mua giảm thì giá giảm là đúng quy luật thị trường” – ông Hà Văn Tuấn – chủ trại chăn nuôi lợn tại Trực Ninh (Nam Định) chưa sẻ.
Thông thường, trước đây, cứ đến dịp cuối năm là giá lợn hơi lại “phi mã” từng ngày. Mức giá “nhảy múa” đến mức, ngày hôm nay điện thoại đặt cọc giá này, nhưng ngày mai đến nhận hàng đã phải thanh toán theo giá mới cao hơn, thậm chí sáng giá này, chiều đã giá khác, bởi nguồn lợn hơi không dư thừa. Thế nhưng, năm 2021, trong những ngày cuối năm, giá lợn hơi giảm nhanh từng ngày bởi lượng lợn đến kỳ xuất chuồng tại các trang trại rất lớn, sức mua chậm hơn, nên doanh nghiệp giảm giá để kích thích tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hanh – chủ trang trại chăn nuôi tại xã Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng cho biết, nguồn cung dồi dào trong khi sức mua yếu đã kéo giá lợn hơi giảm liên tiếp trong thời gian qua.
Về giá lợn hơi trong những ngày cận Tết Nguyên đán liệu có tăng mạnh, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, tùy tình hình dịch bệnh COVID-19 và dịch tả lợn Châu Phi, giá có thể tăng - giảm cục bộ tùy từng địa phương, nhưng rất khó tăng ở mức bất thường như các Tết trước đây.
Giá lợn hơi ngày 22.12. Nguồn: Anova Feed.
Nhập khẩu thịt đông lạnh phần nào tác động đến giá trong nước
Ông Dương Tất Thắng cho rằng, khi nguồn cung thiếu thì nhập khẩu thịt lợn sẽ bổ sung cho nhu cầu tiêu dùng, nhưng ngược lại, khi nguồn cung dư thừa thì việc nhập khẩu thịt lợn sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước.
"Để đánh giá được tác động, cần phải khảo sát rất cẩn thận, nắm cung cầu rất sát để đưa ra quyết định phù hợp, không thể nhận xét dựa trên cảm tính" - ông Dương Tất Thắng nói.
Theo Cục Thú y, năm 2021, cục đã kiểm dịch nhập khẩu thịt lợn làm thực phẩm là 143.463 tấn, giảm 32,5% so với cùng kỳ 2020 (218.560 tấn).
Khảo sát của PV Lao Động từ nguồn tin các thương nhân kinh doanh cho thấy, giá lợn hơi bình quân trên cả nước ngày 22.12 tiếp tục giảm thêm khoảng 1.000-2.000 đồng/kg, bán ra ở mức 49,3 nghìn đồng/kg. Số tỉnh có giá lợn hơi “trụ” lại ở mức 50.000 đồng/kg chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”, phần lớn giá lợn bán ra ở mức 48.000-49.000 đồng/kg. |
Theo báo Lao động