Tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội hay các cửa hàng đồ khô bày bán rất nhiều loại phụ gia, trong đó có nhiều sản phẩm được đóng gói thủ công, không nhãn mác và không hướng dẫn sử dụng.
Dạo quanh chợ Đồng Xuân (Hà Nội), theo quan sát của phóng viên, hàng chục sản phẩm phụ gia thực phẩm được bày bán, từ những loại phụ gia phổ biến nhất như mỳ chính, đường hóa học, chất làm nhừ, gia vị lẩu…đến những loại phụ gia độc hại như bột diêm tiêu, loại bột này dùng để làm tươi thịt khi cung cấp ra thị trường bán cho người tiêu dùng, đã có rất nhiều cảnh báo trong việc sử dụng loại phụ gia này.
Bên cạnh bột diêm tiêu, nhiều chất phụ gia, phẩm màu công nghiệp cũng được bày bán công khai, có nhiều loại dù đã hết hạn nhưng vẫn được bán cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, còn có nhiều chất phụ gia bán cho các chủ cơ sở chuyên làm bánh trung thu, thạch, nước cam; phẩm màu để quay thịt heo, vịt, làm thịt bò khô… được đóng trong can, chai lọ, bịch ni lông mà không hề có bất cứ nhãn mác in ấn rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ nào, ngoại trừ những dòng chữ viết tay nguệch ngoạc. Chỉ cần bỏ ra 20.000 - 25.000 đồng là có thể mua được một gói phụ gia để làm ra hàng trăm lít rượu, nước cam, tương ớt...
Khi được nhờ tư vấn về việc sử dụng các chất phụ gia thực phẩm, một chủ cửa hàng tại chợ Đồng Xuân tiết lộ: Để giò, chả giòn và săn thì chắc chắn phải cho hàn the, dưa chua muối vàng cũng vậy, nếu không cho phụ gia thì thực phẩm sẽ không bắt mắt và không thu hút người tiêu dùng.
Hiện tại, đa số các loại chất phụ gia trên thị trường có nguồn gốc trôi nổi, nhập lậu từ Trung Quốc. Nhiều cơ sở vì lợi ích kinh tế thường sử dụng chất phụ gia công nghiệp và chất bảo quản độc hại để tiết kiệm chi phí đã gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo các cơ quan chức năng, tình trạng phụ gia không đảm bảo chất lượng được dùng rộng rãi trên thị trường, đặc biệt các cơ sở kinh doanh chế biến nhỏ lẻ, do đó lực lượng chức năng không thể kiểm soát, thống kê hết được.
Chính vì thế, ngày 16/9, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng Phụ gia thực phẩm và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2019. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm phải bảo đảm phụ gia được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm, không vượt quá mức sử dụng tối đa, đồng thời hạn chế mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn. Đặc biệt, chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thông tư cũng siết chặt quy định đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm. Chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản. Mặt khác, việc này phải không được gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người…
Thông tư này cũng quy định về danh mục phụ gia thực phẩm; sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chất phụ gia thực phẩm hoàn toàn không có giá trị về mặt dinh dưỡng, lợi ích của chúng chỉ là giúp thực phẩm trở nên đẹp mắt hơn trong khi lại có những tác hại vô cùng lớn với cơ thể, đặc biệt là những loại phụ gia không rõ nguồn gốc và không nằm trong danh mục cho phép sử dụng. Do đó, hãy là những người tiêu dùng thông minh lựa chọn cho mình và gia đình những sản phẩm an toàn, không chứa chất phụ gia độc hại để bảo vệ sức khỏe.
Việt Nam hiện có 23 nhóm phụ gia thực phẩm với 337 chất (bao gồm cả hương liệu) được cho phép sử dụng. Tuy nhiên, chỉ 5% -10% sản lượng được sản xuất tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu, trong đó có 30% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. |
Bảo Kiên