Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:35:52 GMT+7
Lượt xem: 495

Tin đăng lúc 16-05-2024

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng - các chuyên gia cảnh báo

Nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển nhanh, nhất là nguồn thực phẩm như thức ăn vỉa hè, đường phố… , nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua. Do đó cần tuyên truyền mạnh qua các phương tiện truyền thông đại chúng để người tiêu dùng biết, phòng ngừa hiệu quả.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng - các chuyên gia cảnh báo
Ảnh minh hoạ

 Theo các phương tiện truyền thông, trên cả nước gần đây đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc, nhất là tại một số tỉnh, thành phố, điển hình tại Đồng Nai đã xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm lớn sau khi ăn bánh mì, đã có 487 bệnh nhân vào viện theo dõi, điều trị. Ngày 2/5, tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra vụ 15 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi trước cổng trường... Sau khi xảy ra sự việc, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm ra nguyên nhân dẫn tới các vụ ngộ độc trên là do sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn. Việc người tiêu dùng nâng cao nhận thức, cảnh giác về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm thiểu nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. 

 

Tuy nhiên, tình trạng bị ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra tại nhiều địa phương đã gây hoang mang trong dư luận hiện nay. Để phòng tránh, người tiêu dùng cần nhận thức, có biện pháp phòng ngừa tự bảo vệ bản thân. Qua khảo sát tại các tụ điểm bán hàng tại khu chợ truyền thống thuộc phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội; một số tụ điểm dọc đường Nguyễn Trãi; trước cổng Trường Đại học Kiến trúc; Học Viện Bưu chính Viễn thông… có rất nhiều xe đẩy di động và những sạp hàng nhỏ bày bán các món ăn được chế biến ngay trước mắt khách mua. Người bán hàng không che chắn, đồ sống để lẫn với đồ đã chế biến, dùng tay trần trực tiếp bốc đồ ăn... dưới nhiệt độ nắng nóng từ 32 – 40 độ. Do vậy, đồ ăn, thức uống không được bảo quản rất dễ bị ôi thiu; thực phẩm tươi sống được bày bán tràn lan; các loại thực phẩm chín, ăn sẵn cũng vậy. 

 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Do thời tiết nắng nóng vi khuẩn phát triển nhanh khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng, sinh ra chất độc gây ngộ độc; ngay cả đối với những thực phẩm khi đã nhiễm độc tố, mặc dù đun sôi ở nhiệt độ cao, các vi sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng độc tố sinh ra không mất đi, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc. Ông cho biết, các loại thực phẩm như: Thịt, trứng, sữa, cá, hải sản, pate, giò lụa… là môi trường giàu dinh dưỡng, protein để vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát triển phát sinh độc tố. 

 

 Trao đổi với chúng tôi, anh T.T. Hà, chủ xe đẩy bán đồ ăn nhanh tại cổng Học Viện Bưu chính Viễn thông cho biết, do không có việc làm nên đã đầu tư một chiếc xe đẩy bán hàng rong, chủ yếu là hàng ăn nhanh phục vụ cho những khách đi đường. Thực phẩm thì mua ở chợ, đối với nhãn mác hàng hóa thì theo anh, các cửa hàng bán ra đã được kiểm soát của cơ quan chức năng rồi nên anh cũng không quan tâm nhiều. Chị NTL bán hàng là đồ ăn sẵn như bánh phở, bún… tại chợ Hà Đông cho biết, chị phải mua hàng từ sáng sớm của các tiểu thương mang ra chợ bán đến khi nào hết thì mới về, có hôm bán đến trưa, cũng có hôm còn bị ế. Anh N.Đ.Hiếu trú tại phường Hà Cầu, Q. Hà Đông bày tỏ, khi mua thực phẩm về gia đình, tôi vẫn phải đun lại… mới dùng; còn khi đi ăn bún, phở ở quán thì mình nhìn thấy thực phẩm được đun nóng nên nghĩ thế là đã đảm bảo an toàn vệ sinh, nên không quan tâm nhiều nguồn thực phẩm đó như thế nào? Qua đó, có thể thấy, một số người tiêu dùng vẫn còn chủ quan về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe bản thân. 

 

 Theo các chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, đối với những thực phẩm khi đã bị ôi, thiu nhiễm độc tố, mặc dù đun sôi ở nhiệt độ cao các vi sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng độc tố chúng sinh ra không mất đi, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc. Nhất là các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, protein là nơi vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát triển phát sinh độc tố. Các chuyên gia khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho bản thân cần tránh thói quen tùy tiện, chọn cơ sở có thương hiệu, sạch sẽ, thoáng mát, có đăng ký rõ ràng. Ngoài ra cần bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín, muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60o C hoặc lạnh dưới 10o C. Các thức ăn chín dùng lại phải được đun kỹ trở lại, bởi nếu chỉ hâm nóng là không đủ để vô hiệu hóa độc tố. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại, nếu nghi ngờ thực phẩm đã hư hỏng nên hủy bỏ. 

 

Công Đăng 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang