Tại các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội, người ta dễ dàng tìm mua được những loại mỹ phẩm thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ đến giật mình, chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Chị Hồng (trú tại phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Đợt trước, mình được bạn giới thiệu cho một địa chỉ bán mỹ phẩm xách tay giá rẻ. Đến nơi, thấy giá sản phẩm rẻ hơn bình thường tới 5, 6 lần, lại có loại không nhãn mác, giới thiệu. Mình ngần ngại không dám mua dù người bán hàng chào bán rất nhiệt tình”.
Chị Tuyết (sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thừa nhận: “Mình và bạn bè hay tìm mua mỹ phẩm giá rẻ ở chợ đêm sinh viên. Ở đây giá cả rất hợp ví tiền. Mỗi lần đi chợ chỉ cần cầm theo vài trăm nghìn đồng là thoải mái rinh về cả túi mỹ phẩm”. Khi được hỏi về nguy cơ xảy ra vấn đề với làn da và sức khoẻ của mình, chị Tuyết hồn nhiên: “Đến lúc nào bị dị ứng thì mình sẽ ngừng sử dụng. Tạm thời chưa thấy biểu hiện gì”.
Đó cũng là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng khi sử dụng những loại mỹ phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc như: kem trộn, son, phấn… Tuy nhiên, khi biểu hiện dị ứng đã biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài thì đó cũng là lúc các vấn đề sức khoẻ đã trở nên nghiêm trọng hơn.
Không chỉ bán tràn lan ở các chợ, tiệm tạp hoá, mỹ phẩm giá rẻ, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cũng đang được rao bán rất nhiệt tình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… Trên một Fanpage được quảng cáo là bán mỹ phẩm “xách tay” từ các nước Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc…, người ta không khỏi giật mình với mức giá của các sản phẩm này. Ví dụ, chì kẻ mắt thương hiệu MAC được chào bán với giá 9000 đồng/chiếc. Kem dưỡng da Koné của Thái Lan cũng có giá chỉ 39.000 đồng/hộp, mua 3 hộp chỉ còn 100.000 đồng…
Để giải thích cho mức giá rẻ bất ngờ này, người bán thường viện dẫn những lý do nghe rất… lọt tai như: xả kho, hàng bị hải quan giữ được trả lại, thanh lý, đại hạ giá… Theo quan sát của chúng tôi, giá những loại mỹ phẩm này chỉ còn bằng 1/10 thậm chí 1/20 giá của hàng chính hãng. Nếu giá quá rẻ, người bán vẫn còn một lý do để biện minh: “Đây là hàng fake 1, do Việt Nam sản xuất nên chất lượng miễn lo”.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều bày tỏ lo ngại về những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc này. Bởi người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là sản phẩm chính hãng an toàn cho sức khoẻ và đâu là những sản phẩm kém chất lượng khi hàng fake “đột lốt” y hệt hàng thật từ bao bì đến mùi hương.
Đặc biệt, có một số mỹ phẩm giả, kém chất lượng còn chứa những chất nguy hại cho sức khoẻ như: corticoid, chì, parabens, thủy ngân, formandehit... Các thành phần hóa chất này sẽ dẫn tới những bệnh lý như viêm da, viêm nang lông, dị ứng, thậm chí ung thư da.
Để giảm trừ nguy cơ từ những loại mỹ phẩm kém an toàn, bên cạnh sự vào cuộc sát sao của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng cần giữ được sự tỉnh táo và thận trọng.
Minh Lê