Thứ Tư, 04/12/2024 00:55:16 GMT+7
Lượt xem: 1323

Tin đăng lúc 14-06-2024

Nhà báo và cuộc đời

Xét theo quy luật cũng như đời thường thì ai cũng phải lao động để có thu nhập mà sống, phục vụ gia đình và hơn thế còn là thực hiện ước mơ, mưu cầu một điều gì đó không hẳn là tiền hay vật chất thuần túy. Đó là sự thể hiện cái tôi của bản thân. Nếu làm được thế có lẽ cũng được coi là đáng ghi nhận với một đời người. Nhưng, những điều tưởng như căn bản đó không dễ thực hiện đối với những người làm báo, đặc biệt là xét trong bối cảnh hội nhập và đổi mới của đất nước, xã hội hiện nay...
Nhà báo và cuộc đời
Ảnh minh họa

Tình hình xã hội diễn biến nhanh, đa chiều, phức tạp và đôi khi cũng dị biệt, khó lường đã tạo ra bầu không khí khẩn trương, ganh đua, buộc mỗi cá nhân phải gắng sức vươn lên nếu không muốn bị loại ra khỏi cỗ máy đang vận hành với tốc độ cao. Với đội ngũ nhà báo nước nhà - đến nay đã lên tới hơn 01 vạn người, mọi sự còn căng thẳng, mệt mỏi hơn bởi họ là những người đi trong giữa tâm cuộc sống; thâm nhập từng sự kiện, thu thập từng con số, ý kiến, tâm tư con người để rồi tổng hòa, diễn đạt và truyền tải đến người đọc. Nói cách khác, họ làm ra những chiếc gương để phản chiếu, mô tả lại lịch sử lần thứ hai dưới góc nhìn của mình. Sự vất vả, đòi hỏi cao và khắt khe của nghề nghiệp đã khiến nhà báo dần thay đổi, tự hình thành tác phong nhanh nhạy, tháo vát mà cũng đủ “chất lì”, cũng như sự thông minh để “tác chiến” trước yêu cầu hành nghề thường nhật. Bản chất cuộc sống và các tầng lớp dân chúng đòi hỏi nhiều thứ, trong đó chủ yếu là nhu cầu được cung cấp thông tin theo cách chắt lọc, trung thực, chính xác và kịp thời. Thậm chí, còn cao hơn nữa là đòi hỏi sự đấu tranh, định hướng tinh thần và hướng thiện từ phía nhà báo.

 

Mỗi sớm mai thức dậy, ta thấy nhịp sống con người (nhất là nơi đô thị) lại căng tràn, sôi động từ lúc bình minh đến nửa đêm với sự va đập, tiếp nhận và thanh lọc hàng loạt thông tin để thỏa mãn yêu cầu được biết những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Tất thảy những yêu cầu cao, chính đáng ấy của cộng đồng, đương nhiên đặt gánh nặng lên vai đội ngũ những người làm báo. Có lẽ vì thế người ta nhận xét rằng, tác phẩm báo chí chính là lịch sử viết vội, ngẫm kỹ thấy thật đúng, không sai...

 

Đời làm báo gắn liền với cuộc sống một cách trực diện, với sự lăn lộn liên tục nên hình ảnh nhà báo mang tính chất “hơi bụi” và cũng bởi nghề nghiệp khiến họ hay đi đó, đi đây. Họ biết nhiều nơi, trải nghiệm hơn hầu hết những người làm nghề khác. Từ Trường Sơn hùng vĩ, đại ngàn xanh thẳm, thôn bản xa lắc đến Trường Sa tuy xa mà gần chưa bao giờ phai dấu chân nhà báo, với lòng khát khao cùng trách nhiệm với cuộc sống và hòa cùng nhịp thở dân tộc. Cũng đã có nhà báo bị nạn, hoặc ra đi vĩnh viễn khi đang tác nghiệp, họ chấp nhận sự thiệt thòi vì nghề. Nhưng ta có quyền tự hào, tự hiểu rằng bao nhiêu niềm vui, nỗi trăn trở trong đời sẽ “bơ vơ” nếu không có nhà báo chứng kiến, gọt rũa rồi cung cấp đến cộng đồng. Mùa hè sắp tới và đi đâu, ăn gì, thăm thú thắng cảnh nơi nào cũng do nhà báo trải nghiệm, đúc kết để tư vấn thật lòng với bà con.

 

Nhà báo là người làm nghề đặc thù, có tính tùy biến, vất vả, cũng như đòi hỏi sự quyết tâm chứ không như nhiều nghề khác. Vì thế nhà báo mang rõ nét đời thường, có lúc thô ráp, cứng cỏi, nhưng thỉnh thoảng cũng có khi đủ hứng, dành dụm chút thời gian để trải lòng với đời mà nhấn nhá mấy bài thơ; lại có cả tùy bút đầy suy tư, đậm màu sắc văn học như là niềm tâm sự cùng đồng loại.  

 

Những năm gần đây, hoạt động của làng báo nói chung, các loại hình trong “họ nhà báo” ngày càng phong phú, đa dạng, nhưng cũng cọ xát quyết liệt hơn. Âu đó cũng là đời thường, khi cơ quan - tòa soạn nào cũng phải vươn lên, cạnh tranh mà tồn tại, đồng thời nhằm mưu cầu phát triển. Đặc biệt, chủ trương thu gọn đầu mối, sáp nhập các đầu báo, tạp chí vốn đã được công bố từ lâu và đang trong quá trình thực hiện từng bước cũng khiến không ít người làm báo phân tâm, có khi nặng nỗi tâm tư. Thế mới biết, niềm vui hay nỗi lo chung cũng đều mang theo cả niềm riêng, mỗi cá nhân nhỏ nhoi không thể đứng ngoài kết quả từ nguyên nhân bất khả kháng. Nói rộng hơn, cái may rủi đôi khi lại là yếu tố quyết định, còn quan trọng hơn những nỗ lực tự thân của mỗi người.

Làm nghề nào cũng có “bệnh nghề nghiệp’ hay nguy cơ rủi ro; nhà báo càng không là ngoại lệ. Nhưng vinh quang hay hệ lụy xét đến cùng vẫn là tùy thuộc vào bản lĩnh hay cái tâm, cái tầm của mình. Đáng tiếc là vẫn xảy ra trường hợp nhà báo bị bắt, vào vòng lao lý vì cố tình làm tiền doanh nghiệp. Đây không phải là chuyện mới khi vẫn luôn tồn tại một tỷ lệ (dù nhỏ) người cầm bút muốn làm giầu nhanh nên nảy sinh hành động kiếm tiền một cách bất chính. Họ là thứ tha hóa, cần loại bỏ sớm khỏi đội ngũ nhà báo cũng như để bảo vệ phẩm giá và tinh thần báo chí Cách mạng trong thời đại mới. Cuộc sống luôn vận động, thay đổi, nhưng có những giá trị cốt lõi, thuộc về chân lý và nhân phẩm không thể đổi thay. Từ đó, mỗi cá nhân người cầm bút phải biết tự răn dạy mình để hình thành bản lĩnh, rèn nghề mà “lớn” lên.

 

...Dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đang đến gần, cả làng báo đến mỗi tòa soạn đều nhận được sự quan tâm, chúc mừng để chia vui, chia sẻ từ phía cộng đồng, cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Trước đó, anh chị em phóng viên đã ngóng, đoán mức quà năm nay ra sao, tăng hay giảm so với năm trước (?). Những bó hoa cùng những lời có cánh, ý kiến và cả sự gửi gắm niềm hy vọng sẽ cùng xuất hiện, giao hòa. Đón ngày kỷ niệm này, hẳn những người làm báo chân chính sẽ vui bên cạnh sự ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp, tình cảm của mình với đời..., nhất là giữ được sức mạnh trong nét bút./.

 

                                                              Hồng Sơn

 

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang