Với cách tiếp cận này, chuyển đổi số không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở các doanh nghiệp, mà ở bộ máy hành chính nhà nước, chuyển đổi số cũng tạo ra những thay đổi rõ rệt.
Từ Chính phủ đến địa phương vào cuộc
Văn phòng Chính phủ vừa khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Phát biểu tại buổi khai trương hệ thống, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục tiêu của hệ thống là giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử; tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời. Việc vận hành tích cực, có hiệu quả hệ thống này sẽ giúp Chính phủ sớm đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian các phiên họp Chính phủ, đồng thời giảm tối đa sử dụng văn bản giấy.
Theo thiết kế, ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” sẽ là một “thư ký riêng”, hiệu quả cho lãnh đạo các cấp, tạo nên quy trình làm việc bài bản và chính xác. Ngoài ra, ứng dụng có tính năng quản lý, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thống kê, phân loại công việc; trợ lý ảo, hỗ trợ báo cáo công việc hàng ngày, tương tác với người dùng để tìm kiếm thông tin; các tính năng nâng cao, tích hợp lịch làm việc và các ứng dụng khác.UBND TPHCM cũng đã công bố triển khai “Phòng họp không giấy” và “Ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”. Đây có thể xem là cuộc chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước vì kết quả mang lại tức thời, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng các phiên họp. Phòng họp không giấy” và ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” sẽ mang lại nhiều lợi ích, giảm thiểu tối đa văn bản giấy tờ trong các cuộc họp, giúp chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND TPHCM được tốt hơn, đồng thời tiết kiệm 40% chi phí in ấn cũng như chi phí giao nhận giấy tờ.
Lãnh đạo TPHCM đặt mục tiêu đến tháng 9-2019, triển khai ứng dụng này đến tất cả sở ngành và quận huyện. Sang năm 2020, triển khai ứng dụng đến các xã phường trên toàn địa bàn.
“Hệ thống cấp ủy cũng sẽ triển khai đồng bộ như hệ thống chính quyền để đến cuối năm 2020, toàn TPHCM sẽ áp dụng đồng bộ các ứng dụng này, mang lại những kết quả, hiệu quả hơn trong quản lý nhà nước, chứ không chỉ tiết kiệm thời gian, giấy tờ”, một lãnh đạo UBND TPHCM cho biết.
Nhiều lợi ích
Việc Văn phòng Chính phủ và UBND TPHCM triển khai những hệ thống chuyển đổi số trên là quá trình từng bước xây dựng chính phủ điện tử và cao hơn là chính phủ số. Tức là tiếp tục ứng dụng, triển khai công nghệ thông tin, cũng như những tiến bộ mới nhất của công nghệ số nhằm phục vụ người dân tốt nhất, đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất. Đó chính là quá trình chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trong tiến trình tiếp cận, nắm bắt và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0).
Giao diện của “Phòng họp không giấy” và “Ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” của TPHCM
Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam sẽ gồm 3 bước, gồm: Đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp, chuyển đổi số Chính phủ; chuyển đổi số trong doanh nghiệp, xã hội. Sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Cuối cùng là tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số - chuyển đổi số - kinh tế số - kỷ nguyên số là tiến trình không thể đảo ngược, là xu thế toàn cầu. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số.
“Kinh tế số sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Sự tăng trưởng này là bền vững vì sử dụng tri thức nhiều hơn tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn, tạo ra cơ hội cho nhiều người tham gia hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Tuy nhiên, trước khi doanh nghiệp sẵn sàng với việc chuyển đổi số và người dân được lợi từ đó, Chính phủ và các cơ quan trực thuộc phải tiên phong. Việc ứng dụng mô hình làm việc e-Cabinet của Văn phòng Chính phủ và UBND TPHCM là những ví dụ điển hình. Cùng với đó là lộ trình xây dựng và phát triển chính phủ điện tử của các bộ ngành, địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030”. |
Theo sggp.org.vn