Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động và bản thân nội tại nền kinh tế cũng có nhiều trở ngại. Vấn đề là làm sao để vượt qua thách thức phát triển tốt hơn? Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị, lắng nghe để cải cách phát triển, cụ thể hoá chủ trương chính sách nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Xây dựng Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu để vượt qua thách thức.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo trong nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ không đơn giản. Sự chuyển đổi này đòi hỏi cần làm rõ phương thức can thiệp, điều hành của Chính phủ. “Thay đổi này hơn hết là việc thực hiện bằng hành động cụ thể”, ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần cố gắng đạt được khả năng tăng trưởng bền vững trước biến động của biến đổi khí hậu. Đối với đội ngũ lãnh đạo cần đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhất quán với tầm nhìn trong báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035.
Chia sẻ thông tin về báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam ngày càng tụt hậu về thu nhập và quy mô kinh tế. Mặc dù GDP có tăng từ 6-7% nhưng số tuyệt đối này rất nhỏ bé và ngày càng dãn cách rất xa.
Theo ông Bùi Quang Vinh, trước đây, chúng ta chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường (mặc dù chưa hoàn thiện) nhưng phát huy được lực lượng sản xuất mạnh mẽ để có được như hôm nay. Theo đó, chúng ta cần tìm ra động lực mới, đặc biệt là về thể chế. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. “Đây là cơ hội và cũng là thách thức. Trong xu thế hội nhập, nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội của nước đi sau, đón đầu ở đâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào để có sức cạnh tranh cao hơn", nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Trong báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam lọt Top 10 nước có trách nhiệm giải trình của nhà nước thấp nhất. Xếp hạng quản trị nhà nước của Việt Nam thấp so với mức thu nhập. Các chỉ số tương đương hoặc thấp hơn so với mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp. Về mặt kinh tế, sau 15 năm tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỷ USD, trong khi Thái Lan tăng 270 tỷ USD; Indonesia tăng 700 tỷ USD.
Trước thực trạng trên, ông Bùi Quang Vinh đã đề xuất một số giải pháp. Đó là tăng cường năng lực của nhà nước; đảm bảo nguyên tắc thị trường trong các quyết định của nhà nước. Từ đó, làm rõ vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm, chúng ta đang muốn xây dựng một mô hình, cách thức thực hiện vai trò của Nhà nước trong đó sử dụng thuật ngữ “Nhà nước kiến tạo” hay “Chính phủ kiến tạo”, đây là ý tưởng tốt. Theo ông Cung, một nhà nước kiến tạo phải có hai đặc điểm: Nhà nước phải dẫn dắt lôi kéo quá trình phát triển nhưng phải thúc đẩy, hỗ trợ, huy động được toàn bộ nguồn lực và các tầng lớp nhân dân đi cùng một hướng, đưa nền kinh tế đến một giai đoạn phát triển cao hơn với một mục đích chính là nâng cao phúc lợi, thịnh vượng cho người dân. Nói đúng hơn, Nhà nước kiến tạo là Nhà nước vừa kéo vừa đẩy.
Tại hội nghị, ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng cho rằng, muốn xây dựng một Nhà nước kiến tạo thành công, muốn chuyển từ cơ chế quản lý sang khích lệ và tạo điều kiện cho DN phát triển, có lẽ, việc cần làm ngay chính là cải thiện những điểm nghẽn rất cơ bản hiện nay, đó là cơ chế xin cho và hàng loạt các rào cản về thủ tục hành chính.
Nguồn Báo Công Thương