Theo thông tin tại Hội thảo, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, hiện nay vấn nạn này diễn ra công khai, diễn biến phức tạp, tinh vi. Công tác đấu tranh, xử lý vi phạm vẫn chưa được như kỳ vọng. Các giải pháp, chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa đủ sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ.
Nhìn nhận về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường cho rằng, các khó khăn, thách thức trong đấu tranh chống sản xuất kinh doanh hàng giả bao gồm:
Một là, thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, nhập lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng thực thi.
Hai là, hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất thấp.
Ba là, công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các bên liên quan vẫn chưa đủ mạnh.
Bốn là, nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế.
Còn theo TS. Phan Thế Thắng, Ban Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia) cho rằng, nguyên nhân của việc tồn tại và phát triển của hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến những bất cập trong cơ chế quản lý, do sự vô tình “tiếp tay” của người tiêu dùng. Mặt khác, còn có sự ngại động chạm đến kiện cáo của người dân cũng như ý thức tự bảo vệ của doanh nghiệp với chính sản phẩm của mình chưa cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: Để đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan thực thi, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó là việc cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý và chế tài xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực này, để tăng tính răn đe. Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý hàng hóa; giải pháp phải dễ dàng xác định, phân loại được sản phẩm chính hãng, sản phẩm giả. Như vậy, cơ quan chức năng không phải chờ giám định, gây tốn kém, tổn thất nhiều thời gian và chi phí cho các bên liên quan.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về xu hướng truy xuất nguồn gốc hàng hóa tiên tiến “EPC Global, các tiêu chuẩn toàn cầu phân định các vật phẩm, tài sản sử dụng RFID”, hiện đang được nhiều nước áp dụng, đã được chia sẻ bởi giải pháp công nghệ TrueData.
Đây là một giải pháp theo vết, chống giả sản phẩm “Make in Việt Nam” với giải pháp sử dụng chíp RFID của Tập đoàn NXP Semiconductors (tập đoàn chíp bán dẫn định danh hàng đầu thế giới) hợp chuẩn GS1, không thể sao chép, làm giả. Giải pháp sẽ cập nhật dữ liệu của sản phẩm theo thời gian thực trong hành trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng. Việc dữ liệu đi song song với đường đi của sản phẩm dễ dàng chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm, ở khâu nào vi phạm (sản xuất, phân phối, vận chuyển, bán hàng).
Giải pháp này cũng dễ dàng kết nối với các nền tảng phần mềm quản lý của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chi phí thiết bị đầu cuối tiếp cận “0” đồng, cho người tiêu dùng là “0” đồng.
Hồng Trường